Cảnh giác với mua bán người qua mạng: Bài 1 - Kinh tế khó khăn, nạn mua bán người gia tăng

Các bị cáo trong phiên xét xử tội phạm mua bán người tại tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ngày 13/7/2023.

Lao động mất việc, giảm giờ - mảnh đất màu mỡ cho tội phạm bán người

Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm (từ ngày 01/01/2018 đến 31/12/2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng.

Về nạn nhân của tội phạm mua bán người, 73% là phụ nữ, gần đây mua bán nam giới có xu hướng gia tăng. Tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ công nghệ, các đối tượng mua bán người triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để tiếp cận, lôi kéo nạn nhân, dẫn đến công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Thông tin từ Bộ Công an cho biết, chỉ trong quý III năm 2023, các đơn vị địa phương phát hiện, điều tra 85 vụ với 230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại điều 150, điều 151 Bộ luật hình sự; xác định có 224 nạn nhân bị mua bán. Riêng đợt Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ 01/7/2023 đến 30/9/2023), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 234 đối tượng.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm mua, bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, được cho là do thị trường lao động chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn còn ảnh hưởng. Hàng chục nghìn lao động phổ thông mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, do đó nhu cầu tìm việc làm, chuyển dịch lao động đến các khu công nghiệp, thành thị, nhu cầu xuất khẩu lao động, hôn nhân với người nước ngoài tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua, bán người trái phép.

Ngoài ra, các đối tượng ừa đảo buôn bán người cũng hoạt động mạnh về các vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế về nhận thức xã hội. Sau đó các đối tượng lừa đảo buôn bán người đội lốt các vỏ bọc cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp; ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân…, từ đó đẩy nhiều người sập bẫy lừa đảo, trở thành những nạn nhân bị buôn bán.

Các đối tượng trong đường dây tội phạm mua bán người qua chiêu bài "việc nhẹ lương cao" bị lực lượng công an triệt phá tháng 9/2023. Nguồn ảnh: Công an Nhân dân

Cưỡng bức lao động tham gia lừa đảo trực tuyến

Thời gian qua, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines là điểm nóng để các tổ chức hoạt động tội phạm buôn bán người hướng đến hoạt động mạnh. Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tháng 5/2023, các đại biểu đề cập đến việc xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn như “việc nhẹ, lương cao”, tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Hay như lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... tháng để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ tùy thân, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bước lao động, cưỡng bức mại dâm, ép thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản....

Rất nhiều nạn nhân bị buôn bán từ Việt Nam đều được các tổ chức tội phạm hướng đến những nước trên, bởi các nước địa bàn trên đang có những hoạt động mạnh về lừa đảo trực tuyến tại các sòng bạc, cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến, nên nhu cầu cần lao động là rất lớn.

Một số nước trong khu vực Đông Nam Á trở thành điểm nóng nạn mua bán người

Các tổ chức hoạt động cờ bạc, lừa đảo online thường đóng ở các địa điểm giáp biên giới, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát cho các cơ quan chức năng nhà nước sở tại, nên nạn buôn bán người cũng vì thế mà diễn biến phức tạp, có sự gia tăng khó kiểm soát hơn.

Nhiều nạn nhân ngay sau khi biết mình bị lừa vào bẫy buôn bán người, không muốn hợp tác với các tay chủ người nước ngoài để thực hiện công việc lừa đảo, hoặc làm việc cưỡng bức trong sòng bạc, thì chúng yêu cầu gửi tin về gia đình mang tiền đến chuộc, với số tiền lớn lên đến hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng. Do vậy, việc mua bán người luôn đem lại nguồn lợi nhuận khủng cho các tổ chức tội phạm này. Khiến cho vấn nạn buôn bán người ở Việt Nam nói riêng, và một số nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung đều gia tăng.

Các đối tượng người Việt Nam trong nước câu kết với các đối tượng người nước ngoài, thậm chí là cả những đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài như Thái Lan, Myanmar để tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang Myanmar làm việc nhẹ lương cao. Tại Myanmar, nạn nhân bị bắt làm những công việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên máy tính, làm việc trong các Casino tại các công ty do người nước ngoài làm chủ. Hoặc bị bán cho các tổ chức hoạt động tội phạm khác, thậm chí là bán sang nước thứ 3 như một món hàng, trở thành những nạn nhân bị lao động cưỡng bức, bị tra tấn đánh đập một cách tàn nhẫn.

(Còn nữa)

Hoàng Sa