Chính sách pháp luật về tài chính đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chính sách đất đai cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, sự phát triển của xã hội luôn được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, chính sách pháp luật về tài chính đất đai có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính

Qua thực tế triển khai các quan điểm chỉ đạo, định hướng đổi mới chính sách pháp luật về đất đai của Đảng thời gian qua đã có tác động tích cực, tạo chuyển biến, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; thị trường đất đai từng bước đi vào nền nếp có sự điều tiết của nhà nước, tạo thêm nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” và Luật Đất đai 2013, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, chính sách pháp luật về đất đai của nước ta hiện nay cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế, cản trở quá trình phát triển của đất nước.

Do vậy, thực hiện tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW làm tiền đề quan trọng cho việc xây dựng Nghị quyết mới với những chủ trương, định hướng, giải pháp mới, đảm bảo nguồn tài nguyên đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả nhất, bền vững, thực sự là một công cụ quan trọng của nhà nước trong việc huy động nguồn lực đất đai, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, hướng tới mục tiêu, khát vọng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, đổi mới chính sách tài chính về đất đai có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại buổi làm việc, các báo cáo, ý kiến trao đổi, thảo luận đã tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế của chính sách pháp luật đất đai, nguyên nhân và đề xuất nội dung đổi mới, hoàn thiện thời gian tới, trong đó bao gồm các vấn đề quan trọng như: Chính sách thuế có liên quan đến đất đai; chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất; cơ chế tăng cường, đa dạng hóa các nguồn vốn cho quỹ phát triển đất; giá đất và nhiều vấn đề khác có liên quan.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật nhà ở; sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; hoàn thiện cơ chế về thu hồi đất; quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về giá đất; rà soát cơ chế chính sách về đất đai; hoàn thiện các chính sách thuế liên quan đến bất động sản; phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai...

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính – cũng nêu rõ, Bộ Tài chính nhận thức rõ tầm quan trọng to lớn của vấn đề đất đai, chính sách tài chính đất đai đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Tài chính sẽ nỗ lực, quyết tâm với tinh thần cao nhất, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tiếp tục tập trung nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để khẩn trưởng hoàn thiện các báo cáo, chuyên đề, đóng góp xứng đáng vào quá trình Tổng kết Nghị quyết quan trọng này.

Thanh Tâm