Cơ hội rộng mở cho logistics Việt Nam

Việt Nam có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi để phát triển mạnh mẽ logistics. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Cơ hội lớn để liên doanh với quốc tế

Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm. Cùng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia 17 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như FTA giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng. Đây chính là dư địa để ngành logistics tăng trưởng hơn.

Cụ thể, theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các FTA sẽ mang đến một số tác động tích cực, như tăng hiệu quả kinh doanh từ cải cách thủ tục hành chính; gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics; tăng quy mô thị trường logistics do tăng hoạt động xuất - nhập khẩu; thu hút đầu tư từ các nước. Hay việc hệ thống logistics và vận chuyển phải bảo đảm được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát quốc tế. Do đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho ngành logistics Việt Nam.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, cơ hội là rất lớn. Ví dụ trong cam kết của EVFTA về mở cửa dịch vụ vận tải biển, điều kiện vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam chỉ được thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%, thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu, thuyền trưởng phải là công dân Việt Nam… Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Trong khi đó, thế mạnh của DN logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, khai thác kho bãi và có đội ngũ nhân sự lành nghề…

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, DN logistics nội sẽ đủ khả năng cạnh tranh với DN ngoại. Bởi trong từng chuỗi logistics đã cho thấy năng lực cung cấp của các DN logistics Việt Nam. Hiện nay, đến 90% cảng biển Việt Nam là do DN trong nước khai thác. Đây chính là lợi thế giúp DN logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics, tạo điều kiện liên doanh liên kết với các DN nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Việt Nam là điểm dừng, điểm trung chuyển hàng hóa lý tưởng

Dịch vụ hậu cần kho bãi đang có nhu cầu lớn. (Ảnh: chinhphu.vn)

Dịch vụ logistics không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế. Điều này cho thấy sự cải thiện đáng kể của ngành logistics Việt Nam trong nỗ lực phát triển và hội nhập kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế và trong nước, Việt Nam có những lợi thế về địa lý và tự nhiên vượt trội so với khu vực để trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa khu vực và thế giới, bao gồm cả lĩnh vực vận chuyển hàng quá cảnh. Định hướng này cũng đã được cụ thể hóa và đưa vào nhiều văn bản pháp lý quan trọng của Việt Nam. Với lợi thế tự nhiên sẵn có như vậy cùng nhiều hạ tầng quan trọng đã đầu tư, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á xét về số tuyến vận tải quốc tế, sau Malaysia và Singapore và đang tiếp tục có nhiều đề án quan trọng để tận dụng lợi thế, phát huy tối đa vai trò của Việt Nam trong các chuỗi thương mại toàn cầu.

Bà Phạm Thị Bích Huệ - người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng, con đường phía trước của ngành logistics Việt Nam rất rộng mở, nhất là khi Chính phủ cũng đã nhìn nhận vai trò quan trọng của logistics với nền kinh tế.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sắp tới Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics với tầm vóc dài hạn hơn so với Kế hoạch hành động trước đây nhằm đạt được cơ sở nền móng hỗ trợ cho các DN logistics trong thời gian tới, đồng hành với các DN xuất nhập khẩu vươn ra thị trường thế giới.

Mới đây, Hồ Chí Minh cũng đã công bố đề án xây dựng chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Với tổng số 70% DN logistics đóng trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cộng với lợi thế về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây, công bố này đã cho thấy cơ hội rộng mở như thế nào cho logistics TP Hồ Chí Minh nói riêng, logistics Việt Nam nói chung.

Chưa kể, một số liệu thống kê cũng cho thấy, 15 năm trước, Việt Nam không có một dịch vụ logistics nào trực tiếp đến châu Âu và Mỹ La tinh nhưng hiện nay đã có hơn 200 tuyến. “Các hãng tàu quốc tế xem Việt Nam là điểm dừng, điểm trung chuyển hàng hóa lý tưởng” - ông Elias Abraham Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping, 1 trong 10 hãng tàu container hùng mạnh nhất thế giới nhận định.

Đây cũng là điều mà các chuyên gia trong nước đã từng nhìn nhận trong những ngày đầu tiên khai thông dòng chảy của logistics vì Việt Nam có “vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á và gần Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.

Chưa kể, hiện nay, nhiều công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng do lo ngại các căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Vì thế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi và được ưu tiên trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng này. Việt Nam cũng nhận được các khoản đầu tư nước ngoài trong việc kết nối chuỗi cung ứng, với vị thế là một trung tâm thương mại và sản xuất. Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khi DN xoay trục.

Các dự báo khả quan

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023 cho thấy, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI - Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Riêng về tiêu chí cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng thứ 4 và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, nhiều dự báo khác cho thấy, nhu cầu hậu cần kho lạnh ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, đi kèm với nhu cầu vận chuyển thuốc men và các mặt hàng dễ hư hỏng như thực phẩm... Theo Cushman & Wakefield, ngành hậu cần kho lạnh được dự báo đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 12% hàng năm. Việt Nam đang rất thiếu cơ sở kho lạnh, chuỗi cung ứng lạnh và các dịch vụ liên quan, vì vậy, phân khúc thị trường này còn rất nhiều dư địa cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được dự báo đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực (chỉ sau Indonesia), do đó, nhu cầu hậu cần TMĐT cũng sẽ gia tăng nhanh chóng. Đó chính là cơ hội để gia tăng đầu tư vào dịch vụ logistics từ kho lạnh hậu cần đến vận chuyển trong nước và quốc tế.

“Khi nhu cầu dịch vụ logistics hỗ trợ thương mại ngày càng tăng cao, thì các dịch vụ này cũng tăng theo nhanh chóng. Với vị trí địa lý của Việt Nam, khả năng kết nối chặng cuối là yếu tố sống còn đối với các DN TMĐT trên cơ sở nhu cầu được giao hàng nhanh chóng của cả khách đặt hàng lẫn DN bán hàng” - đại diện Hiệp hội DN logistics Việt Nam nhận định.

Duyệt chi ngân sách lớn cho hạ tầng giao thông - huyết mạch của logistics

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án. Hai năm 2022 - 2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho các dự công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics. Cũng trong hai năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường cao tốc quan trọng, kết nối vùng miền đã được xây dựng và hoàn thành. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, hoàn thành 3.000km đường cao tốc và đến 2030, hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Ngoài ra, các tuyến đường ven biển, các đường kết nối khác, hạ tầng khác như: sân bay Long Thành, các cảng biển, các sân bay…

Hoàng Tú