'Cố vấn tài chính không áp dụng công nghệ sẽ dần bị đào thải'

Ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tư vấn tài chính

Một ví dụ rõ nét của việc công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành dịch vụ tài chính đó là việc ứng dụng các phần mềm họp trực tuyến. Trước đại dịch Covid-19, các chuyên gia tư vấn bắt buộc phải gặp mặt trực tiếp khách hàng để trao đổi công việc, thì trong giai đoạn lockdown diện rộng trên toàn cầu, các hình thức họp trực tuyến đã giúp rất nhiều doanh nghiệp duy trì được công việc kinh doanh, và sau đó đã thay đổi hoàn toàn cách mà các công ty dịch vụ tài chính tương tác với khách hàng.

Ví dụ khác là sự ra đời của GPT – một hình thức trí tuệ nhân tạo mới có tên gọi là “Large Language Model” sẽ giúp tự động hóa nhiều thao tác mà trước đây các chuyên gia tư vấn tài chính phải làm một cách thủ công, qua đó với sự hỗ trợ của AI, các chuyên gia tư vấn (trong tất cả các ngành như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, hoạch định tài chính cá nhân …) sẽ dễ dàng làm việc với nhiều khách hàng cùng một lúc, và giúp chúng ta nhanh chóng xác định được khách hàng tiềm năng, cũng như nhu cầu của khách hàng.

Một trong những lợi ích mà khách hàng cảm nhận được khi làm việc với một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân đó là thông qua những trao đổi, tư vấn của chuyên gia tư vấn, kiến thức về tài chính của khách hàng sẽ ngày càng được nâng cao, và việc thực thi các khuyến nghị của chuyên gia sẽ ngày càng hiệu quả.

Với sự phát triển của , những thông tin trao đổi, những tài liệu tham khảo giờ đây có thể được hệ thống cung cấp cho khách hàng qua chatbot, lúc này các chuyên gia tư vấn có thể có thêm thời gian cho những công việc giúp nâng cao hiệu suất đầu tư hoặc lựa chọn những sản phẩm tài chính chất lượng cho khách hàng.

Một báo cáo của McKinsey trong tháng 1/2024 đã chỉ ra rằng, nhờ trí tuệ nhân tạo, một nhà tư vấn trung bình có thể dành tới 20% đến 30% thời gian của mình cho các công việc liên quan đến tăng trưởng tài sản cho khách hàng.

Ứng dụng trợ lý ảo là một áp dụng khác của công nghệ vào lĩnh vực tư vấn tài chính. Hệ thống sẽ nhắc nhở chuyên gia tư vấn lên lịch họp. Sau đó, trợ lý ảo sẽ chuẩn bị chương trình họp bằng cách sử dụng thông tin tài khoản của khách hàng, trích xuất bản ghi từ cuộc họp trước, cung cấp các chủ đề tiềm năng và câu hỏi để trao đổi với khách hàng, đồng thời đưa ra các mục hành động để thực hiện và ghi chép vào trong hệ thống CRM sau buổi họp.

Ông Tạ Thanh Tùng, Chuyên gia Hoạch định TCCN tại Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

AI còn giúp tránh được các “thiên kiến” trong quyết định đầu tư và đánh giá thị trường. Vì cơ sở của AI là dựa trên dữ liệu và các thuật toán, yếu tố cảm xúc sẽ bị loại bỏ ra khỏi những quyết định của hệ thống, và điều này giúp đảm bảo tính ổn định và hiệu quả cho một chuyên gia tư vấn tài chính, hay chuyên gia quản lý đầu tư rất nhiều.

Ngoài ra, các ứng dụng của AI mà chúng ta thường thấy như: tự động hóa hệ thống, so sánh sản phẩm tài chính, xây dựng hệ sinh thái cho việc quản lý gia sản… sẽ giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia tư vấn tài chính trong tương lai.

Vì sao AI không thể thay thế con người?

Như chúng ta đã biết, con người bị chi phối bởi cảm xúc rất nhiều, đặc biệt khi liên quan đến tiền bạc. Do đó, khách hàng luôn cần một người tư vấn “bằng xương bằng thịt” đồng hành với họ, chia sẻ những cảm xúc, niềm vui khi đạt được những mục tiêu tài chính, đầu tư cũng như có những trấn an, chia sẻ kinh nghiệm trong những thời điểm những mục tiêu, hoặc kỳ vọng trong đầu tư không đạt được. Đó là những trải nghiệm và kỳ vọng của khách hàng mà hiện nay, máy móc vẫn chưa thể thay thế được con người chúng ta.

Tuy có rất nhiều ưu điểm và lợi ích mà công nghệ mang lại cho ngành dịch vụ tư vấn tài chính là rất lớn, tuy nhiên, để áp dụng được một cách hiệu quả, đặc biệt là cho Việt Nam trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Trước hết, đó là các chuyên gia tư vấn sẽ phải dành rất nhiều thời gian để học hỏi và làm chủ công nghệ, đây không phải là điều dễ với đại đa số các chuyên gia tư vấn.

Thứ hai, đó là yếu tố chi phí, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để quản lý công việc sẽ là thách thức đối với các công ty có quy mô nhỏ.

Và cuối cùng là thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, khi mà sự gắn kết, tin tưởng, mối quan hệ cá nhân vẫn là tiêu chí lựa chọn hàng đầu khi quyết định sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư thì việc ứng dụng công nghệ như AI, chatbot sẽ cần nhiều thời gian hơn để được khách hàng tin dùng.

Có thể nhận thấy, xu thế ứng dụng công nghệ trong dịch vụ tư vấn tài chính đã, đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian tới, và những ai có thể ứng dụng công nghệ vào việc tư vấn khách hàng sẽ đạt hiệu suất cao hơn. Có thể dự báo được rằng, trong khoảng 5 năm tới đây, những tư vấn viên không có khả năng áp dụng công nghệ vào công việc có thể sẽ bị đào thải. Và các doanh nghiệp nên bắt đầu trang bị cho mình một cách tiếp cận phù hợp với xu thế này.

Tạ Thanh Tùng