Cung cấp bức tranh toàn diện, đa chiều về kinh tế vĩ mô Việt Nam

Thông tin đa chiều, phong phú, hữu ích

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng nội dung thảo luận tại Diễn đàn năm nay do Quốc hội Việt Nam tổ chức?

- Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 được tổ chức với phiên khai mạc, hai phiên chuyên đề, một phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao và phiên bế mạc. Các cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi, đa chiều, phong phú thông tin và rất hữu ích, tập trung vào những vấn đề rất “trúng” là làm sao để tái tạo đà tăng trưởng và phát triển bền vững, đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm nay và giai đoạn tiếp theo....

Điều tôi đặc biệt thích thú ở Diễn đàn này là sự tham gia của những tiếng nói đến từ nhiều lĩnh vực: Chính phủ, các chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức quốc tế về tài chính, kinh tế, lao động…

Đại diện Thường trú khu vực Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, Campuchia và Lào JOCHEN M. SCHMITTMANN

- Tham dự Diễn đàn lần này, ông tìm kiếm điều gì?

- Là đại diện của IMF tại khu vực, trong đó có Việt Nam, khi tham dự Diễn đàn năm nay, tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thông tin về kinh tế Việt Nam, nhất là các vấn đề kinh tế vĩ mô - lĩnh vực mà chúng tôi rất quan tâm. Điểm đặc biệt là Diễn đàn không chỉ cung cấp bức tranh toàn cảnh về kinh tế Việt Nam, mà còn cả nhiều vấn đề kinh tế vi mô - những vấn đề mà các doanh nghiệp đang quan tâm, lo lắng, mong mỏi. Tất cả những điều này được các diễn giả, đại biểu tham dự làm rõ trong quá trình trao đổi, tọa đàm. Đây không chỉ là những thông tin rất hữu ích đối với các nhà lập pháp, hoạch định chính sách của Việt Nam mà với cả các tổ chức quốc tế như chúng tôi, giúp làm phong phú thêm quan điểm của chúng tôi về kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Cần thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

- Như ông đề cập trong phần thảo luận tại phiên chuyên đề 1,những "cơn gió ngược”là nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể những nhân tố đó là gì, thưa ông?

- Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được đẩy lùi, kinh tế thế giới chứng kiến những tín hiệu tích cực khi gián đoạn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã quay trở lại thời kỳ “tiền Covid - 19”. Các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn cầu trong nửa đầu năm nay nhìn chung tích cực hơn, chủ yếu do thị trường lao động khôi phục mạnh mẽ đến mức đáng ngạc nhiên. Giá năng lượng và giá lương thực giảm đáng kể sau khi lên đến đỉnh. Tình hình một số thị trường tài chính lớn trên thế giới ổn định trở lại...

Bên cạnh những tín hiệu tích cực này, đà tăng trưởng trên toàn cầu đang chậm lại. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 3,5% năm ngoái xuống còn khoảng 3% trong năm nay và năm sau. Mặc dù tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu đang giảm nhưng vẫn còn cao, tiếp tục làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Các động thái siết chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới khiến lãi suất cho vay cao và gây ra những hạn chế cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đối mặt với những thách thức, rủi ro do ảnh hưởng của các xu hướng trên toàn cầu, đơn cử như xu hướng tiêu dùng trên toàn cầu đang chuyển từ tiêu thụ hàng hóa sang dịch vụ, sẽ dẫn đến năng suất giảm, doanh nghiệp giảm đầu tư, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng trong các lĩnh vực thương mại - sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi như ở Việt Nam.

Mặc dù các yếu tố rủi ro ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay nhìn chung cân bằng hơn so với đầu năm, song vẫn tương đối tiêu cực. Nếu lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục, sẽ dẫn đến chính sách tiền tệ cần chặt chẽ hơn, gây thêm áp lực cho các thể chế và làm ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tài chính của doanh nghiệp và các thị trường như Việt Nam.

Đối với trong nước các bạn, các yếu tố làm cản trở tăng trưởng là tình trạng đầu tư sụt giảm, những vấn đề trên thị trường tài chính và biến động trên thị trường bất động sản, sụt giảm xuất khẩu…

Nhưng nhìn về phía trước, IMF tin rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay. Điều này dựa trên mô hình đánh giá thận trọng về triển vọng phục hồi trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và thị trường bất động sản của Việt Nam.

- Ông đánh giá thế nào về các nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với nhân tố bất lợi cản trở tăng trưởng và phát triển bền vững?

- Ngay từ đầu năm nay, trước những khó khăn, thách thức đặt ra với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đưa ra các chính sách rất thận trọng và phù hợp nhằm duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, tiền tệ. Đây là điều mà Việt nam đã làm rất tốt nhằm bảo đảm sự phục hồi kinh tế. Việt Nam còn nhiều dư địa để sử dụng các các biện pháp về tài khóa, thúc đẩy đầu tư công, tăng cường đầu tư cho xã hội, bảo đảm an sinh xã hội...

Việt Nam cũng cần tập trung ứng phó với những nhân tố không chắc chắn gây bất ổn định của nền kinh tế, đặc biệt là giải quyết những điểm yếu của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây không chỉ là những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường này, mà còn là gây ra tâm lý bất an cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Vì thế, cần thêm các nỗ lực, giải pháp nhằm giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, bởi khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp của Việt Nam tuy đã có xu hướng đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, nhưng sẽ vẫn chịu tác động của sự phân mảnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới thị trường lao động trong nước. Cùng với đó, những tác động của diễn biến trên kinh tế thế giới đòi hỏi các chính sách tiền tệ trong nước phải chặt chẽ hơn. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong nước.

Các bạn cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có nhiều tiến triển rất đáng hoan nghênh, song điều mà chúng tôi nghe rất nhiều doanh nghiệp là vấn đề hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định, rõ ràng. Đây là vấn đề cần khắc phục ngay để môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn.

Công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thời gian qua diễn ra rất quyết liệt và đã cho thấy những kết quả rõ nét, song vẫn cần thêm các nỗ lực tăng cường năng lực quản trị thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về thu nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạch định chính sách, pháp luật và bảo đảm tính chắc chắn của hệ thống pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Chi thực hiện