Cùng 'Xây Tết' 2023 cho 12.000 công nhân ngành xây dựng

Công nhân ngành xây dựng, lực lượng lao động chưa được quan tâm xứng đáng.

Năm 2020 - 2021 là hai năm mà ngành xây dựng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19. Trong năm 2021 dưới tác động sâu rộng của dịch bệnh khiến cho hoạt động của hàng loạt các doanh nghiệp bị đình trệ, công nhân không có việc làm, lực lượng lao động bỏ về quê. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đã ra đời nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch đã nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

CẦN QUAN TÂM HƠN ĐẾN CÔNG NHÂN XÂY DỰNG

Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những bài hát để ngợi ca ngành xây dựng nói chung và công nhân ngành này nói riêng. Đơn cử là “Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Những ánh sao đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, “Bàn tay người thợ xây” của Châu Đức Khánh, “Hát về những người thợ công trình” của Hồ Hữu Thới… Tuy nhiên, chỉ có yếu tố tinh thần qua các bài hát ngợi ca thì chưa đủ.

Công nhân xây dựng, lực lượng lao động vất vả, luôn đối mặt với nắng mưa, nguy hiểm... nhưng lại ít được quan tâm hơn những ngành sản xuất như dệt may, da giày,…

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến quý 3/2022, tổng số lao động (đủ 15 tuổi trở lên) trên cả nước sắp xỉ đạt 52 triệu người, chiếm khoảng 68,2% dân số. Trong đó, số lượng công nhân xây dựng chiếm gần 13,5%, đạt khoảng 7 triệu người. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng số lao động nhưng đóng góp của công nhân xây dựng cho nền kinh tế là rất lớn.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động -Thương Binh và Xã hội, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM, tuy chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng lực lượng xây dựng có những đóng góp lớn với xã hội. Bởi đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào lực lượng thi công, hay chính là công nhân xây dựng. Lực lượng này đảm nhiệm hầu hết khối lượng công việc thi công tại các dự án, đây là công việc đòi hỏi yêu cầu cao về nền tảng sức khỏe cũng như tay nghề.

Cũng theo ông Thắng, thu nhập bình quân của người lao động cả nước vào khoảng 7,6 triệu đồng/tháng trong quý 3/2022. Riêng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tiền lương của công nhân ở khu vực Đông Nam Bộ cao hơn các khu vực khác. Nhưng, mức thu nhập này vẫn chưa tương xứng với công sức mà công nhân xây dựng bỏ ra. Bởi bình quân, mỗi công nhân làm việc 8-12 tiếng/ngày và 6-7 ngày/tuần.

“Điều đáng buồn là công nhân xây dựng lại ít được quan tâm hơn những ngành sản xuất như dệt may, da giày,… Mặc dù mức lương cơ sở của công nhân xây dựng, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ cao hơn các khu vực và ngành khác, thế nhưng tính chất công việc vô cùng nguy hiểm, áp lực và điều kiện làm việc khó khăn, vất vả. Họ luôn đối mặt với nắng mưa, có mặt ở tầng hầm sâu dưới lòng đất đến cao chót vót trên trời. Chính vì vậy, chế độ tiền lương, phúc lợi phải tương xứng hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ. Họ cần được tôn vinh và thụ hưởng chính sách nhiều hơn", ông Thắng nhấn mạnh.

XÂY TẾT CHO 12.000 CÔNG NHÂN NGÀNH XÂY DỰNG

Giữa làn sóng sa thải lao động và biến động dữ dội của nền kinh tế trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp vẫn đưa ra những phúc lợi và án để chăm lo, giúp ổn định an sinh cho người lao động. Dự án “Xây Tết 2023” do Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa được khởi động nhằm mang đến cái Tết ấm no hơn cho những người trực tiếp dựng xây nên các công trình biểu tượng của Việt Nam là ví dụ.

Cụ thể, “Xây Tết 2023” được Coteccons triển khai đồng bộ trên 60 công trường đang hoạt động trên khắp cả nước từ ngày 04/01 đến ngày 06/01/2023. Chương trình sẽ mang đến 12.000 phần quà Tết, mỗi phần trị giá 300.000 đồng cho công nhân xây dựng. Coteccons kỳ vọng dự án này sẽ tiếp tục được triển khai trong các năm tới và con số sẽ không dừng lại ở 12.000 mà sẽ nhiều hơn khi có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước, cả trong và ngoài ngành xây dựng.

Bên cạnh các hoạt động trao quà, Coteccons cũng sẽ tổ chức các sự kiện Tết với nhiều hoạt động như tổ chức cắt tóc tại công trường, chụp hình Tết và trao tặng những tấm vé, những chuyến xe trở về quê miễn phí…

Ông Phạm Quân Lực, Phó Tổng Giám đốc Coteccons, chia sẻ: trong dịp Tết này tất cả các ngành đều gặp khó về dòng tiền do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản. Tuy vậy, Coteccons cam kết ưu tiên thanh toán lương, để công nhân yên tâm làm việc và đón một cái Tết ấm no.

Hải Vân