Dân vận khéo gắn với lợi ích của người dân

Khen thưởng các tập thể thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua Dân vận khéo năm 2023

Sát tình hình thực tế

Giai đoạn 2021-2023, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng phong trào thi đua DVK vẫn được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Phong trào tạo sức lan tỏa trong đời sống, xã hội, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy - Phạm Văn Bốn cho biết: “Căn cứ 10 nội dung phong trào thi đua DVK giai đoạn 2021-2025 và tình hình, yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, từng địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn mô hình đăng ký với cấp ủy Đảng và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị phân công cán bộ phụ trách, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, rà soát đánh giá và lựa chọn những mô hình, điển hình hiệu quả để nâng cao chất lượng, nhân rộng; loại bỏ những mô hình không phù hợp và khảo sát xây dựng các mô hình mới để thay thế”.

Cấp huyện có 100% đơn vị tổ chức đánh giá, nhân rộng mô hình nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10) hàng năm và sơ kết giai đoạn 3 năm 2021-2023 thực hiện. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh cũng nhân rộng một số mô hình hiệu quả.

Xác định DVK là phải sát dân, phù hợp với lợi ích của dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã xây dựng 963 mô hình DVK trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 183 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 557 mô hình; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 84 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 139 mô hình. Qua sơ kết 3 năm thực hiện, có 251 mô hình tiêu biểu được bình xét công nhận ở cấp huyện và cơ sở.

Gắn với lợi ích của dân

Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát cơ sở, khảo sát và xây dựng nhiều mô hình phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương. Phong trào DVK trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể giúp mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Qua tuyên truyền, vận động, người dân tích cực tham gia thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần phát triển và nâng chất các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.

Ngoài ra, công tác vận động người dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả tích cực. Nhiều công trình huy động sự đóng góp của người dân và các doanh nghiệp lên đến hàng chục tỉ đồng, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bạch (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Tôi và người dân nơi đây rất phấn khởi vì đường giao thông trên địa bàn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hệ thống chiếu sáng được lắp đặt góp phần bảo đảm trật tự, an toàn cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông”.

Công tác chăm lo đời sống người dân được quan tâm thực hiện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Các mô hình, điển hình DVK trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu và bảo đảm an sinh xã hội giúp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động hàng chục ngàn đoàn viên, hội viên tham gia phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh xuất hiện nhiều mô hình và cách làm sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, kịp thời nắm chắc tình hình nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, đề xuất xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở. Ban Dân vận, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động ký kết chương trình phối hợp các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tỉnh về thực hiện phong trào thi đua DVK. Từ đó, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và người dân về quốc phòng - an ninh được nâng cao.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát cơ sở, khảo sát và xây dựng các mô hình phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương

Ông Phạm Văn Bốn cho biết thêm: “Những năm qua, chính quyền các cấp phối hợp Ban Dân vận cùng cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phát động phong trào thi đua DVK gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, làm việc công tâm, khách quan, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, đặc biệt là các mô hình DVK trong xây dựng nông thôn mới, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân”.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua DVK được cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực thực hiện theo phương châm “hướng mạnh về cơ sở” để kịp thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Các mô hình DVK được triển khai phù hợp, sát với tình hình thực tế, gắn với lợi ích chính đáng của người dân. Qua đó, khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương./.

Quang Nguyên