Doanh nghiệp ra đời kỷ lục và niềm tin của nhà đầu tư

Khi đánh giá về cơ hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse từng nhìn nhận Việt Nam đang làm việc với hai đối tác lớn là Trung Quốc và Mỹ. Một bên là đầu vào, một bên là đầu ra. “Tôi nghĩ các doanh nghiệp (DN) cần nhìn nhận rằng không bao giờ có một cơ hội như giai đoạn hiện nay. Thế hệ 7X, 8X, 9X mà không biến Việt Nam thành Nhật Bản, Hàn Quốc thì sẽ không có thế hệ nào có thể làm được điều đó vì 'cơ hội vàng' không lặp lại.

Kỷ lục về số doanh nghiệp ra đời

Đối với Sunhouse, vị Chủ tịch này tiết lộ vừa đón đón nhiều đoàn khách tới từ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc để bàn bạc cơ hội hợp tác. Trước đó, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra, ông đánh giá Việt Nam sẽ có cơ hội khi chuỗi cung ứng toàn cầu phải sắp xếp lại vì xung đột kinh tế.

So sánh về số lượng DN gia nhập và tái gia nhập thị trường với con số tạm ngừng kinh doanh và giải thể (Nguồn: Cục Đăng ký kinh doanh).

“Lúc đó, tôi đã quyết định xây 2 nhà máy về bản mạch. Tôi biết rằng quyết định này có thể khiến mình lỗ nhưng tôi có niềm tin rằng, chỉ trong thời gian ngắn thôi các đối tác nước ngoài sẽ sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng, khi đó Sunhouse sẽ có cơ hội”, Phú cho biết.

Qua câu chuyện của Sunhouse thấy rằng, cơ hội luôn có trong những hoàn cảnh khó khăn, cũng như vị thế của Việt Nam trên toàn cầu vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá như là một “ngọn hải đăng” của sự ổn định và tăng trưởng bền vững.

Theo báo cáo từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), bức tranh về tình hình đăng ký DN trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt 159.294 DN, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn DN. “Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023”, Cục Đăng ký kinh doanh đánh giá.

Bên cạnh đó, số DN quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 DN, qua đó, góp phần đưa số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn DN (217.706 DN), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số DN rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Đồng thời, tổng số vốn đăng ký mới của DN gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý của năm 2023: 310.331 tỷ đồng trong quý I; 397.126 tỷ đồng trong quý II; 379.319 tỷ đồng trong quý III và quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đối với triển vọng kinh doanh là rất lớn. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), quý IV/2023, các DN đã bắt đầu có đơn hàng trở lại, thậm chí có những DN đã có một số đơn hàng lớn, thị trường ngành may bắt đầu ấm dần.

172 nghìn doanh nghiệp 'chết lâm sàng'

Bên cạnh những con số “màu hồng”, Cục Đăng ký kinh doanh cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức trong bức tranh về tình hình đăng ký DN, trong đó phải kể tới là quy mô vốn đăng ký bình quân của DN tiếp tục có xu hướng giảm.

Cắt giảm đơn hàng, dòng tiền suy kiệt là khó khăn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong năm 2023.

Theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), khi huy động vốn gặp khó khăn, DN sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của DN. Thực tế cho thấy, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 không chỉ giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022 mà còn là mức thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023. Số vốn bình quân trên một DN trong năm 2023 chỉ đạt 9,55 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 30,7% và 42,4%.

Khó khăn của DN còn được phản ánh qua sự gia tăng số DN rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 với khoảng 172,5 nghìn DN, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất kể từ năm 2017 tới nay, so sánh với cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì mức tăng lần lượt là 44,0% và 69,7%, gấp 1,7 lần với mức bình quân giai đoạn 2017-2022. Trong đó, khoảng 10% (18 nghìn DN) thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các DN phản ánh là do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN không hiệu quả, DN bị cắt giảm đơn hàng; do thị trường có nhiều biến động, cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng; công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh.

Báo cáo triển vọng thị trường bất động sản của chứng khoán Securities (VCBS) mới đây nhận định, một số DN bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ. Các DN quy mô lớn có dự án bị tắc nghẽn về pháp lý, nguồn vốn vẫn tích cực được hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu và tình trạng dự án treo nhiều năm.

Về tình hình hoạt động DN, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn Bình Định khuyến nghị, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới cũng như DN xin tạm ngừng hoạt động, cụ thể tỷ lệ DN thành lập mới so với tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động.

Đồng thời, cần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Qua đó cũng cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các DN, giãn khoản đóng góp cho DN như thuế, cho DN vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà.

PGS.TS. Trần Đình Thiên

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Số DN đăng ký thành lập mới chưa chắc đã chính thức hoạt động, nhưng số DN rời bỏ thị trường là con số thực. Số DN rút lui khỏi thị trường ở mức cao, đà tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bền vững, khảo sát các thành phố lớn sẽ thấy tình cảnh đìu hiu do các hộ kinh doanh đóng cửa hàng quán…. Tôi luôn nhấn mạnh rằng trong tình thế khó khăn cần có những quyết sách tạo đột phá để giúp DN vượt qua.

Ông Lê Hoàng Châu

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Giai đoạn từ cuối quý III đến nay, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn huy động của khách hàng, thì các DN, chủ đầu tư dự án bất động sản có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn trung hạn, dài hạn trên thị trường vốn như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Do vậy, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị, có giải pháp về phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, phát triển các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản nội địa có nguồn vốn lớn và có cơ chế hoạt động theo thông lệ quốc tế để trở thành kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn, hiệu quả cho nền kinh tế và thị trường bất động sản…

Ông Đỗ Xuân Lập

Chủ tịch ệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)

25 năm tham gia xuất khẩu gỗ, 2023 được đánh giá là năm đầu tiên mà ngành gỗ không có tăng trưởng. Đây là năm mà xuất khẩu gỗ giảm sâu nhất. Ước tính, xuất khẩu gỗ cả năm 2023 đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.

Nhật Linh