Dòng tiền tái cơ cấu mạnh trên các thị trường vốn

Doanh nghiệp tập trung đảo nợ trái phiếu

Sau hai tuần đầu tiên của tháng 9 không có đợt phát hành nào, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có chuyển biến khi một số đơn vị công bố thông tin về các lô phát hành mới. Trong đó, Công ty cổ phần hàng không Vietjet phát hành 2 đợt với quy mô 300 tỉ đồng mỗi đợt, kỳ hạn 5 năm với lãi suất phát hành 12%. Công ty cổ phần An Phát Holdings huy động 165 tỉ đồng với lãi suất 11%, hay Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore huy động 1.000 tỉ đồng với lãi suất phát hành là 10,5%.

Tuy nhiên, con số phát hành trong ba tuần đầu của tháng 9 vẫn còn rất khiêm tốn so với tháng liền trước. Theo báo cáo tổng hợp của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 8-2023 đã có 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 30.657 tỉ đồng.

Tính chung 8 tháng, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 140.417 tỉ đồng, trong đó chủ yếu vẫn là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (chiếm 88,2% giá trị) với 113 đợt phát hành. Còn phương án phát hành ra công chúng có 17 đợt, huy động 16.476 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp đang xoay sở để đảo nợ trái phiếu. Ảnh minh họa: DNCC

Trong khi hoạt động phát hành mới giảm nhiệt thì việc tái cấu trúc trái phiếu doanh nghiệp lại cho thấy sự sôi động. Mới đây, Tập đoàn Novaland công bố dự kiến mua lại 2.252 tỉ đồng trái phiếu của hai lô phát hành vào tháng 5 năm 2022 với lãi suất lần lượt là 10% và 8%. Quy mô mua lại cũng tương đương khoảng 40% tổng giá trị lưu hành của lô trái phiếu này. Nhiều doanh nghiệp khác cũng công bố tiếp tục điều chỉnh một số điều khoản trái phiếu đã phát hành, hoặc công bố mua lại trước hạn.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 169,840 tỉ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51.7% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 87,838 tỉ đồng).

Điều đó chỉ ra dấu hiệu là thanh khoản của doanh nghiệp vẫn khá tốt, tuy nhiên cũng phần nào do diễn biến không thuận lợi khiến họ phải mua lại trái phiếu trước hạn, tác động đến kế hoạch kinh doanh ban đầu. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc mua lại, phát hành trái phiếu đảo nợ thay vì tìm vốn cho hoạt động kinh doanh có tác động tiêu cực đến thị trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhìn nhận, mọi người kỳ vọng rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, hoạt động phát hành trái phiếu để tái cấu trúc khoản nợ, đảo nợ là bình thường. Trong khi ngân hàng thừa tiền thì nhiều doanh nghiệp lại không thể xin giãn hoãn nợ, do đó thời gian qua chứng kiến đa số tổ chức mua trái phiếu là ngân hàng.

“Thị trường này phải có thanh khoản và nên chấp nhận đó là chức năng của thị trường. Nhìn vào khối lượng trái phiếu đáo hạn sắp tới thì tôi cho rằng diễn biến này vẫn còn tiếp diễn, thực tế là nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ”, ông Thuân cho hay.

Không hoàn toàn là đảo nợ, thị trường vẫn điểm tích cực khi có một số công ty tiếp tục đặt kế hoạch phát hành trái phiếu với mục đích huy động vốn thực hiện dự án. Chẳng hạn như Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Invest thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 650 tỉ đồng. Công ty cổ phần Nam Long cũng dự định phát hành tối đa 500 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ để thực hiện dự án ở Cần Giờ.

Chia sẻ tại hội thảo về thị trường trái phiếu mới đây, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) không kỳ vọng thị trường có sự bứt phá thời gian tới, sự hồi phục sẽ diễn ra từ từ. Mặc dù chỉ mới giải ngân các khoản đầu tư trái phiếu trở lại trong vài tháng gần đây, song cầu trái phiếu doanh nghiệp luôn tồn tại, kể cả bên bán lẫn bên mua.

Trong giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị khủng hoảng, hiện tượng “fund run” (yêu cầu quỹ đầu tư thanh toán tiền mua chứng chỉ quỹ) đã xảy ra. Tuy nhiên, hiện thị trường đã hồi phục, bằng chứng là các quỹ đầu tư trái phiếu đã mở trở lại, đến nay lượng mua vào trái phiếu doanh nghiệp đã hồi phục về mức bình thường, cho thấy niềm tin đã quay trở lại.

Về lãi suất, thời gian qua xuất hiện những lô trái phiếu có lãi suất từ 12-15%, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu lãi suất chỉ 5-7%/năm. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, lãi suất không phản ánh rủi ro của trái phiếu mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như ngành nghề, sức khỏe của tổ chức phát hành, thanh khoản thời điểm phát hành, tài sản đảm bảo…

“Đó là thực tế thị trường, không nên đánh đồng lãi suất cao là tốt hay không tốt. Bình quân chi phí vốn một dự án bất động sản dân cư chiếm 5-7% chi phí đầu tư, lợi nhuận gộp bình quân ngành 35-40%, có dự án chiếm từ 50-60%, nên không nhất thiết phải có lãi suất rẻ, chỉ cần doanh nghiệp họ có lãi và đầu tư”, ông Thuân nhìn nhận.

Dòng tiền cá nhân hy vọng trở lại với chứng khoán

Việc VN-Index có chuỗi tăng điểm khá ấn tượng từ cuối tháng 8 đã giúp nhà đầu tư cá nhân mạnh tay hơn trong các quyết định mua vào. Thêm vào đó, chính sách tài khóa mở rộng được thể hiện qua việc cắt giảm lãi suất, từ đó tạo ra dòng “tiền rẻ” và gián tiếp cơ hội giao dịch thuận lợi cho thị trường. Đà hưng phấn tâm lý của nhà đầu tư cá nhân lên cao, khi nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ “đòn bẩy” để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.

Số liệu mới nhất từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 188.298 tài khoản trong tháng 8-2023. Con số này tăng 25% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 liền trước và là mức cao nhất trong vòng hơn một năm kể từ tháng 7-2022. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới 188.165 tài khoản và các tổ chức mở mới 133 tài khoản.

Thống kê cho thấy, trong tháng 8, nhà đầu tư cá nhân quay trở lại mua ròng mạnh 3.378 tỉ đồng (tương đương 140,5 triệu đô la). Nhờ vậy, vị thế ròng của nhà đâu tư cá nhân từ đầu năm tăng thêm lên 14.130 tỉ đồng (tương đương 587,5 triệu đô la).

Dòng tiền cá nhân trở lại thị trường chứng khoán với nhiều kỳ vọng. Ảnh: Lê Vũ

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, đây là khoảng thời gian hiệu ứng đảo chiều chính sách tiền tệ có tác động rõ rệt nhất lên thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch khớp lệnh sàn HoSE tăng mạnh 34% so với tháng 7 với giá trị giao dịch bình quân đạt 20.500 tỉ đồng/phiên (tăng 22% so với tháng 7), thậm chí có phiên ghi nhận giá trị khớp lệnh tăng vọt lên mức 35.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sự hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân dễ dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông (FOMO). Đó là khi giá cổ phiếu tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn, dẫn đến cảm giác sợ bỏ lỡ cơ hội, khiến nhà đầu tư vội vã ra quyết định mua vào ở mức giá cao. Nhưng khi thị trường điều chỉnh mạnh thì dòng tiền từ nhóm này cũng trở nên thiếu ổn định hơn.

Vào trung tuần tháng 9, áp lực tỷ giá gia tăng và động thái liên tục bán ròng của khối ngoại đã làm giảm sự hưng phấn của thị trường. Mặc dù vậy, khi xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm lại động lực tăng điểm tại các điểm đỡ này.

Về dài hạn, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích Dragon Capital cho rằng, VN-Index thậm chí sẽ còn có mức tăng vượt trội so với dự đoán của nhiều người dựa trên giả định lợi nhuận năm 2024 đúng như dự báo.

Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận thị trường nửa sau năm 2023 kỳ vọng tăng 34% do mức nền thấp trong cùng kỳ năm trước. Tổng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 có thể đạt khoảng 3-4% và điều này đã được thị trường dự báo. Đặc biệt, sang năm 2024, dự báo lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ 25% so với cùng kỳ nhờ vào biên lợi nhuận ròng được cải thiện.

Dù vậy vẫn cần thận trọng bởi dòng tiền trên thị trường hiện giờ chủ yếu là của các nhà đầu tư cá nhân, mà phản ứng với thị trường của các nhà đầu tư cá nhân lại thường có xu hướng đầu cơ, thiếu ổn định. Cho nên, dù nhận định triển vọng thị trường sáng sủa trong dài hạn, song chuyên gia này cho rằng, trong ngắn hạn vẫn có thể có những biến động giảm bất ngờ.

Song Dũng