FED và ECB kiên định lập trường lãi suất cao trong thời gian dài hơn

Áp lực giá vẫn cao khiến các quan chức FED đã lên tiếng về sự cần thiết phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.

Lạm phát vẫn tăng, củng cố quan điểm lãi suất cao của FED

Lạm phát cơ bản của Mỹ được cho là đang gia tăng hàng tháng chứng thực thông điệp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rằng, lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không bao gồm thực phẩm và nhiên liệu, một thước đo về áp lực giá cơ bản, được dự báo tăng 0,3% trong tháng thứ hai liên tiếp. Trên cơ sở hàng năm, chỉ số CPI cơ bản được dự đoán sẽ giảm, nhưng đó là so sánh với tháng 9 năm ngoái với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ 190 quốc gia tập trung tại Marrakech, Morocco từ ngày 9/10 để bàn thảo về những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc họp, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, nền kinh tế toàn cầu tăng cơ hội thoát khỏi suy thoái, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro về tài khóa và tài chính cho các nước.

Theo bà Kristalina Georgieva, kinh tế thế giới thể hiện khả năng phục hồi đáng nể và nửa đầu năm 2023 đã mang đến một số tin tốt, phần lớn nhờ nhu cầu dịch vụ tăng cao hơn mong đợi và tiến bộ rõ rệt trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều này làm tăng cơ hội để nền kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm", nhưng các nước không thể lơ là cảnh giác.

Nhu cầu phục hồi ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, được củng cố bởi tốc độ tăng trưởng việc làm không ngừng, đã làm phức tạp thêm nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm giảm lạm phát xuống mức mong muốn.

Mặc dù nới lỏng, áp lực giá vẫn cao - một lý do tại sao các quan chức FED đã lên tiếng về sự cần thiết phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài. Thông điệp đó đã tác động mạnh lên thị trường tín dụng, nơi lợi suất trái phiếu kho bạc gần đây đã tăng vọt.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của FED, dự kiến diễn được công bố vào thứ tư (11/10), có thể giúp làm sáng tỏ mức độ ngân hàng trung ương Mỹ có nghiêng về khả năng tăng lãi suất một lần nữa trước cuối năm nay. Quyết định chính sách tiếp theo được đưa ra vào ngày 1/11.

Một loạt quan chức FED sẽ phát biểu trong tuần tới, bao gồm cả Phó Chủ tịch FED Philip Jefferson, Thống đốc Christopher Waller và các chủ tịch FED khu vực như Lorie Logan, Raphael Bostic, Neel Kashkari và Susan Collins.

Vào thứ tư, chỉ số giá sản xuất của chính phủ dự kiến sẽ công bố tỷ lệ phù hợp với lạm phát bán buôn ở mức vừa phải hơn.

Tại châu Á, Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại sự kiện quốc tế tại Marrakech. Các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách sẽ muốn biết quan điểm của ông về nền kinh tế, thị trường bất động sản Trung Quốc và lộ trình chính sách tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng sẽ có mặt sau những đồn đoán về sự can thiệp gần đây, cùng với một loạt quan chức tài chính chủ chốt khác.

Trong tuần, dữ liệu thương mại từ Trung Quốc, Philippines và Đài Loan sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng nhu cầu toàn cầu mới nhất.

Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc Chris Kent chuẩn bị phát biểu sau khi RBA giữ lãi suất tại cuộc họp đầu tiên dưới thời Thống đốc mới Michele Bullock .

Vào cuối tuần, Malaysia công bố kế hoạch ngân sách của mình, trong khi Trung Quốc cũng sẽ công bố số liệu lạm phát mới nhất.

Chính sách của ECB sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu

ECB tháng trước đã tăng chi phí vay lần thứ 10 liên tiếp để đưa lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4%. Ảnh: Reuters

Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giúp kiềm chế lạm phát. “Chúng tôi muốn đưa lạm phát về 2% và chúng tôi sẽ thành công” - bà Lagarde nói, đồng thời cho biết thêm vòng xoáy lạm phát “chắc chắn phải tránh được”.

ECB tháng trước đã tăng chi phí vay lần thứ 10 liên tiếp để đưa lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4%. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra việc duy trì mức này trong một thời gian là đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu, mặc dù nhiều quan chức có quan điểm cứng rắn hơn cho biết có thể cần phải tăng thêm lãi suất.

Bà nói: “Lãi suất cơ bản của ECB đã đạt đến mức mà nếu được duy trì trong thời gian đủ dài, sẽ góp phần mang tính quyết định trong việc đưa lạm phát về mục tiêu của chúng tôi càng sớm càng tốt”.

Việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương đã đè nặng lên nền kinh tế vốn hầu như không tăng trưởng trong năm nay, mặc dù bà Lagarde nhấn mạnh mục đích của bà không phải là tạo ra một cuộc suy thoái.

Mặc dù "không bi quan" về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn, nhưng Chủ tịch ECB cũng thừa nhận Đức là nhân tố ảnh hưởng đến triển vọng của châu Âu. “Lạm phát vẫn tiếp tục tồn tại nhưng đang chậm lại, đồng thời tốc độ tăng trưởng ngày càng yếu đi” – bà Lagarde nói: “Đó là lý do tại sao IMF đã điều chỉnh giảm dự báo trên toàn thế giới, ngoại trừ Mỹ”.

Theo kế hoạch, các dữ liệu chính kinh tế chính của khu vực đồng Euro sẽ được công bố trong tuần. Sản xuất công nghiệp ở Đức công bố vào thứ Hai và Ý vào thứ Ba sẽ cho thấy sản lượng nhà máy ở hai nền kinh tế lớn này đang hoạt động như thế nào trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu kém kéo dài. Con số tổng thể cho khu vực đồng Euro sau đó sẽ được công bố vào thứ Năm.

Biên bản cuộc họp tháng 9 của ECB công bố cùng ngày, trong đó các nhà đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng để tìm ra bất kỳ gợi ý nào về các quan điểm của Hội đồng Điều hành và manh mối cho hành động trong tương lai. ECB công bố báo cáo về kỳ vọng lạm phát tiên dùng 2 ngày trước đó.

Tại Vương quốc Anh, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội hàng tháng của tháng 8 được công bố vào thứ Năm, được các nhà kinh tế dự đoán sẽ cho thấy một mức tăng nhỏ không bù đắp được mức giảm 0,5% của tháng 7.

Ở những nơi khác ở châu Âu, dữ liệu lạm phát sẽ được theo dõi chặt chẽ trên khắp Bắc Âu vào thời điểm các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về việc thắt chặt hơn nữa phải diễn ra như thế nào ở một số nền kinh tế khu vực. Những con số này đến từ Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển.

Hungary sẽ công bố số liệu về giá tiêu dùng vào thứ Ba. Lạm phát ở mức trên 16% tiếp tục là mức cao nhất ở Liên minh châu Âu, ngay cả sau khi đã chậm lại trong tháng thứ 7./.

Hoàng Lê (theo Bloomberg)