Gã khổng lồ Moody's gia nhập thị trường xếp hạng tín nhiệm Việt Nam

Bộ Tài chính Việt Nam đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), do Moody's đồng sở hữu cùng với các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam, để thực hiện xếp hạng các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Điều này đánh dấu lần đầu tiên một công ty Mỹ tham gia vào hoạt động này tại Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt mức xếp hạng tín nhiệm Đầu tư từ Baa3 đối với thang điểm của Moody’s.

Moody's nắm giữ 49% cổ phần của VIS Rating, sẽ chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng cho các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Moody's cũng lưu ý rằng dư nợ trái phiếu ở Việt Nam chiếm 13% tổng giá trị trái phiếu trong nền kinh tế.

Việt Nam gần đây đã thắt chặt các quy định về trái phiếu phát hành riêng lẻ sau khi các lĩnh vực như bất động sản tích lũy nợ quá mức. Tuy nhiên, việc áp dụng một số quy định mới đã bị trì hoãn do biến động trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản.

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong tháng 9, không có trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong tháng này. Các quy định mới dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm tới và bắt buộc các công ty đã phát hành trái phiếu mệnh giá hơn 500 tỷ đồng trong mỗi 12 tháng hoặc vượt quá 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất của công ty phải có xếp hạng tín dụng.

Theo Moody's, "Khi thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển, xếp hạng tín dụng và nghiên cứu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty tiếp cận nguồn vốn mới, xây dựng chiến lược cấp vốn, báo hiệu sự minh bạch và duy trì niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm thị trường căng thẳng."

Ngoài ra, Việt Nam cũng có một cơ quan xếp hạng tín dụng khác là FiinRatings, có mối quan hệ đối tác với S&P Global Ratings của Moody's. Theo trang web của FiinRatings, Nikkei của Nhật Bản nắm giữ 17% cổ phần của công ty cho đến năm 2020.

Việc S&P và Moody's nâng cấp mức xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam vào năm 2022 và duy trì xếp hạng cho năm 2023 cho thấy sự gia tăng sức mạnh kinh tế của Việt Nam và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các biến động vĩ mô từ bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng. Điều này cho thấy rằng các chính sách cải thiện đang được triển khai có hiệu quả.

S&P và Moody's đánh giá nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khả năng tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất, chế biến và chế tạo.

Mỹ Châu