Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển hệ thống tín dụng về các thôn, bản thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn

Nhiều rủi ro

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát đi những thông tin cảnh báo liên quan đến hoạt động mất an toàn trong lĩnh vực tài chính. Các vấn đề phát sinh một phần bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết liên quan đến tài chính của người dân.

Cách đây không lâu, Báo Thừa Thiên Huế Online thông tin về vụ việc một khách hàng của chi nhánh Thừa Thiên Huế trú tại phường Hương Hồ, TP. Huế mang sổ tiết kiệm yêu cầu rút tiết kiệm trước hạn để "trả lệ phí hải quan và sân bay để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về". Sau khi tìm hiểu cụ thể câu chuyện và nhận thấy bất thường, giao dịch viên đã khuyến cáo khách hàng xác minh lại thông tin. Khi biết được đây là chiêu thức lừa đảo, lợi dụng sự cả tin và chưa nắm rõ kiến thức của người dân về pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhân viên ngân hàng đã kịp thời báo lãnh đạo ngân hàng cùng phối hợp giải thích, ngăn chặn thành công việc chuyển tiền của khách hàng.

Những sự việc như trên không phải là hy hữu mà khá phổ biến. Các tổ chức tín dụng, công an, chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cảnh báo người dân những thủ đoạn lừa đảo thông qua tài khoản ngân hàng nhằm hạn chế những tình huống xấu xảy ra.

Một câu chuyện khác cũng được các cơ quan truyền thông chia sẻ nhiều thời gian qua là việc một số cán bộ ngân hàng lợi dụng tín nhiệm và sự không hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản, tư vấn các loại hình đầu tư như: chứng khoán, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu doanh nghiệp... Do không hiểu biết cộng với cán bộ ngân hàng cam kết sẽ nhận được lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng nên nhiều người quyết định mua các sản phẩm na ná tiết kiệm này. Chỉ đến khi có nhu cầu đến rút tiền khách hàng mới vỡ lẽ các sản phẩm này có những quy định riêng, không rút trước hạn như sản phẩm tiết kiệm thông thường, chưa nói một số loại hình còn tiềm ẩn rủi ro.

Bắt đầu từ việc tăng hiểu biết

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là các đối tượng yếu thế như: người nghèo, người già, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác. Ngoài ra, những người này cũng rất dễ bị tác động bởi các yếu tố liên quan đến tài chính.

Có lẽ vì vậy mà trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ rất chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận tài chính, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác. Tuy nhiên, việc truyền thông đến đối tượng này không dễ. Bởi đa số người dân tiếp cận các thông tin tín dụng, tài chính một cách chủ động theo nhu cầu thực tế và có kế hoạch tài chính phù hợp, thì nhóm đối tượng này lại tiếp cận theo phương thức hoàn toàn thụ động. Việc này sẽ dẫn đến những hệ lụy mà trong một vài tình huống trên đây phóng viên đã dẫn chứng.

Có thể thấy, các đối tượng nêu trên khác nhau về điều kiện, hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung trong quan hệ tiếp cận tín dụng chính là họ bị xem là nhóm người yếu thế. Vì thế, đối tượng này được tiếp cận với các khoản tín dụng ưu đãi riêng hay còn gọi là tín dụng chính sách xã hội, nhằm tạo cơ hội thực hành tài chính như tiết kiệm và đầu tư phát triển kinh tế.

Xét trong mối tương quan đó, thì đối tượng này cũng cần một chính sách truyền thông riêng.

Một định hướng truyền thông đang được Ngân hàng Nhà nước tỉnh và một số tổ chức tín dụng thực hiện khá tốt là xây dựng mạng lưới hỗ trợ bao gồm cộng đồng, tổ chức xã hội và ngân hàng để đối tượng người yếu thế có thể nhận được sự hỗ trợ và tư vấn về tài chính.

Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang duy trì 2.332 tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; Agribank Thừa Thiên Huế, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Huế cũng phát triển các mô hình tổ vay vốn, tổ liên kết với hội phụ nữ, hội nông dân trên địa bàn. Thông qua các tổ hội này, việc tuyên truyền các kiến thức tài chính cũng trở nên dễ dàng hơn. Vấn đề là bản thân các ngân hàng phải đầu tư thêm cho hoạt động đào tạo cán bộ tổ, hội... hỗ trợ cho họ có kiến thức về tài chính cơ bản và khả năng làm việc với đối tượng người yếu thế và biến họ thành những “nhà truyền thông tài chính”.

Tại hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức trực tuyến gần đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã nhấn mạnh về hoạt động truyền thông chính sách. Bởi truyền thông chính sách là công cụ góp phần thực hiện các mục tiêu điều hành chính sách, nhất là các chính sách mới, nâng cao niềm tin công chúng với công tác điều hành.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các vụ, cục, tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước các địa phương phải đổi mới, sáng tạo nội dung và hình thức truyền thông, nắm bắt xu hướng truyền thông hiện đại và tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông cần xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương thức tổ chức. Có như thế mới đưa những kiến thức tài chính đến gần hơn với mọi đối tượng “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiếp cận thông tin tài chính.

Bài, ảnh: Hoàng Loan