Giới chuyên gia bình luận về chuyến thăm Nga của phái đoàn Triều Tiên

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Triều Tiên Choe Son Hui tại cuộc gặp ở Bình Nhưỡng ngày 18/10/2023.

Theo đài (Nga), ông Artyom Lukin, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, nhận định chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên tới Moskva là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ trong phát triển quan hệ giữa Nga và Triều Tiên.

“Cụ thể hơn, tôi cho rằng chuyến thăm này có thể nhằm mục đích chuẩn bị cho chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Vladimir Putin. Năm ngoái, ông Putin đã nhận được lời mời đó từ ông Kim Jong-un”, ông Lukin nói.

Tối ngày 14/1, phái đoàn ều Tiên do Ngoại trưởng Choe Son Hui dẫn đầu đã đến thủ đô Moskva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết sau ba ngày đàm phán, bà Choe Son Hui sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết có khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp Ngoại trưởng Triều Tiên. Ông nói thêm rằng Nga dự định phát triển hơn nữa quan hệ đối tác với Triều Tiên trong mọi lĩnh vực và các cuộc đối thoại sẽ tiếp tục diễn ra ở mọi cấp độ.

Hơn nữa, Moskva cũng hy vọng ông Putin có thể thăm Triều Tiên trong tương lai gần, thời gian sẽ được thỏa thuận thông qua các kênh ngoại giao.

“Chúng nhận thấy các nỗ lực đang được tiến hành để nối lại và tăng cường hợp tác kinh tế vốn đã bị đóng băng trong những năm gần đây - đầu tiên là các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, sau đó là do đại dịch COVID-19, khi Triều Tiên đóng cửa biên giới”, ông Lukin lưu ý.

Vị chuyên gia này cho biết dù nỗ lực hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia còn ở giai đoạn xây dựng và thỏa thuận, nhưng năm 2024 có thể chứng minh dòng chảy thương mại thực sự giữa Triều Tiên và Nga.

“Chúng tôi thấy rằng các khách du lịch Nga đang bắt đầu lựa chọn Triều Tiên là điểm đến. Vào đầu tháng 2, nhóm du lịch đầu tiên sẽ tới một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Triều Tiên”, ông nói.

Vị chuyên gia này cũng nhận định mức độ quan hệ hiện nay giữa Nga và Triều Tiên phản ánh tình hình địa chính trị chung trên thế giới.

“Triều Tiên là một trong số ít quốc gia ở Nam bán cầu không sợ bất kỳ điều gì. Họ chẳng có gì để mất”, ông Lukin nhấn mạnh và nói rằng rằng Triều Tiên sẵn sàng cung cấp cho Nga “sự hỗ trợ thực sự bằng mọi cách có thể”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Kim Jong-un. Ảnh: Sputnik

Theo ông Lukin, Triều Tiên cũng có động lực nghiêm túc để nối lại quan hệ với Nga. Động lực này xuất phát từ việc Hàn Quốc tiếp tục xây dựng tiềm lực quân sự của mình, liên minh giữa Seoul và Washington ngày càng được củng cố và liên minh ba bên đang được hình thành giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Ông nói rằng cho đến gần đây, Triều Tiên vẫn cố gắng tự giải quyết mọi vấn đề của đất nước, bao gồm cả vấn đề an ninh. Nhưng có lẽ Triều Tiên đã nhận ra rằng trong môi trường địa chính trị phức tạp như hiện nay, khi đối thủ của họ được trang bị đầy đủ và mạnh mẽ, hình thành liên minh, họ không thể tự đảm bảo an ninh 100%, và cần phải tìm kiếm đối tác mạnh hoặc thậm chí có thể là một đồng minh.

Ông lập luận Nga - Triều Tiên là láng giềng và ngay cả khi không chịu tác động bởi tình hình địa chính trị, hai quốc gia vẫn nên hợp tác với nhau.

Ông Alexander Zhebin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga), cũng đồng tình với quan điểm trên.

Ông nói rằng trước hết, chuyến thăm này sẽ tập trung vào việc hai quốc gia nên hành xử thế nào trong thực tế quốc tế mới đang nổi lên trên thế giới và ở vùng Viễn Đông.

“Hai câu hỏi chính là làm thế nào để xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác Nga – Triều Tiên, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang diễn ra và tận dụng mọi cơ hội trong tình hình này. Vấn đề thứ hai là xem xét kỹ hơn tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và suy nghĩ xem hai nước sẽ phản ứng như thế nào trước việc tăng cường hiện diện quân sự của Washington và các đồng minh gần biên giới của chúng ta”, ông Zhebin nhấn mạnh.

Quốc kỳ Nga và Triều Tiên. Ảnh: Telegram

Triều Tiên đã cáo buộc liên minh quân sự ba bên mới được thành lập giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đe dọa trật tự quốc tế.

Năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Im Chon-il nói rằng Mỹ đang cố gắng can thiệp vào mối quan hệ hữu nghị giữa Nga và Triều Tiên. Ông nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại của Mỹ phản ánh “cách tư duy theo hướng bá quyền dựa trên logic đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh”.

Về phần mình, trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 10/2023, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố Moskva hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Triều Tiên trong việc bảo vệ chủ quyền nước này. Ông cũng nói rằng Moskva đánh giá cao sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng đối với hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Tháng 9/2023, nhà lãnh đạo Triều Tiên Jong-un đã có chuyến thăm Nga đầu tiên kể từ năm 2019 và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Truyền thông nhà nước đưa tin chuyến thăm của ông Kim tới Nga là “bước ngoặt cấp tiến mới” trong sự phát triển quan hệ Moskva - Bình Nhưỡng và củng cố “mối quan hệ hợp tác và láng giềng tốt đẹp” truyền thống giữa hai nước.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)