Giúp công nhân an tâm gắn bó

Công ty TNHH Esoft Việt Nam (quận Hai Bà Trưng) có khoảng 800 lao động, trong đó hơn 90 trường hợp là người khuyết tật. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến doanh số sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, lãnh đạo công ty vẫn quyết tâm tìm kiếm giải pháp duy trì việc làm, giữ chân người lao động (NLĐ).

Duy trì việc làm, thu nhập

Ông Vũ Nam - Trưởng Phòng sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Esoft Việt Nam - cho biết trong điều kiện thành phố thực hiện giãn cách, ban giám đốc công ty đã cho NLĐ mượn trang thiết bị để làm việc từ xa. Đối với NLĐ không có việc, công ty vẫn duy trì mức lương 60%-70%. "Mặc dù năng suất khi làm việc tại nhà thấp hơn nhưng thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội, công ty đã tìm thêm khách hàng mới để duy trì việc làm cho NLĐ. Nhờ hướng đi đúng này mà thu nhập NLĐ vẫn ổn định trong ngay thời điểm khó khăn nhất" - ông Nam nói.

Cùng với đó, Công đoàn công ty cũng chủ động đề xuất với Công đoàn cấp trên hỗ trợ 150 "Túi An sinh Công đoàn", mỗi túi trị giá 200.000 đồng, gồm các nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, muối, lạc... cho đoàn viên, NLĐ khó khăn. Chị Trần Thị Thắm, một lao động khuyết tật tại công ty, cho biết công việc của chị là chỉnh sửa ảnh. Khi chưa có dịch bệnh, thu nhập của chị khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Từ khi dịch bùng phát, chị Thắm cùng nhiều lao động khác phải làm việc tại nhà. "Chúng tôi được công ty cho mượn máy tính, lắp đặt mạng tại nhà trọ để làm việc từ xa… Vì thế, dù dịch bệnh nhưng thu nhập của tôi vẫn được khoảng 5 triệu đồng/tháng, không giảm nhiều so với trước đây". Còn anh Tuấn Anh, một lập trình viên ở công ty, cho biết trong đợt dịch này, thu nhập vẫn ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc hỗ trợ thiết bị làm việc, hằng tháng, công ty còn hỗ trợ thêm tiền điện cho NLĐ.

Dịch bệnh kéo dài cũng khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Cơ khí Huy Hùng (KCN Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất các linh kiện biến áp, trạm điện, máy phát điện, các thiết bị phục vụ y tế - những mặt hàng thiết yếu - nên hoạt động sản xuất của công ty bắt buộc phải duy trì. Để động viên, giữ chân NLĐ gắn bó với dây chuyền sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, công ty đã nhanh chóng triển khai phương án sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ". Theo ông Đỗ Văn Đức, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, để thực hiện "3 tại chỗ" được hiệu quả, công ty đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất từ nơi nghỉ, bếp ăn giãn cách và tiến hành khử khuẩn toàn bộ công ty. Để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, NLĐ, công ty thực hiện test Covid-19 3 ngày/lần cho tất cả mọi người. Công đoàn và ban giám đốc phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm thu nhập, tiền lương và các chế độ chính sách cho NLĐ. Mức lương của NLĐ bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. NLĐ làm việc "3 tại chỗ" được hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày với mức 35.000 đồng/bữa, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công nhân Xí nghiệp Quản lý Cụm công trình đầu mối Yên Sở làm việc trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Chăm lo bữa ăn cho NLĐ

Xí nghiệp (XN) Quản lý Cụm công trình đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai) có khoảng 200 CN, duy trì sản xuất "3 tại chỗ" kể từ khi dịch bùng phát nhằm giữ tuyệt đối an toàn các trạm bơm, bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời cho TP Hà Nội.

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc XN, cho biết khi thực hiện "3 tại chỗ", XN đã xây dựng các phương án dự phòng, chuẩn bị sẵn bếp ăn, kho lương thực, thực phẩm, chỗ ngủ, test nhanh Covid-19 thường xuyên và đăng ký tiêm vắc-xin cho NLĐ. Cùng với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, XN cố gắng bảo đảm lương và chế độ hỗ trợ cho NLĐ. Cùng đó, XN còn hỗ trợ NLĐ 3 bữa ăn/ngày và thêm các khoản phụ cấp khác. Ông Trịnh Văn Toản, công nhân (CN) XN Quản lý Cụm Công trình đầu mối Yên Sở, cho biết mình và các đồng nghiệp rất hài lòng với chính sách chăm lo của ban giám đốc và sự quan tâm của tổ chức Công đoàn. Công ty TNHH Minh Trí ở Khu Công nghiệp Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) có hơn 300 CN. Thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn tại khu vực bếp ăn tập thể đặc biệt được chú trọng. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn công ty, nếu như trước kia có 2 ca ăn, thì nay công ty đã chia thành 4 ca. Trước đây, CN thường ngồi 6 người ăn/bàn, nay ngồi ăn riêng để hạn chế việc tiếp xúc.

Để bảo đảm vệ sinh và an toàn phòng dịch cho bữa ăn của NLĐ, Công ty CP Thú Y Xanh Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) cũng làm những vách ngăn tại các bàn ăn. Bàn ăn, ghế ngồi được khử khuẩn sạch sẽ. Bát đũa, dụng cụ nấu bếp được khử trùng với nước sôi. Công ty quy định không phục vụ cùng lúc quá đông người, giờ ăn ca được tổ chức lại thành 4 ca, mỗi ca 15 phút. Không chỉ vậy, toàn bộ khuôn viên nhà ăn bao gồm cả hành lang, lối đi được vệ sinh trước và sau khi ăn. Tại Công ty CP Hãng Sơn Đông Á (huyện Gia Lâm), bữa ăn của NLĐ cũng được nâng từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.

Bài và ảnh: DIỆP THẢO