Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Nâng tầm cả chất và lượng

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, từ ngày 30/6-3/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến àn Quốc kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2022; đồng thời là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ sau 5 năm và cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu thứ 3 của Việt Nam

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại diện Vụ thị trường châu Á và châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lũy kế đến hết tháng 12/2023 đạt 85,8 tỷ USD với 9.863 dự án, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hai nước Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và nâng cấp lên quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược vào năm 2009; tiếp đó năm 2022, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hơn 30 năm qua, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc hiện đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc).

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 32 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,9%, chiếm 14,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 11,5 tỷ USD, tăng 5,5%.

Các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (trong đó riêng Samsung đóng góp tới 24%). Các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đều đang hoạt động mạnh tại Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực: điện tử, ô tô, cơ khí, luyện kim, hóa chất, dệt may, da giày…

Đáng nói, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hàn Quốc cũng là nước có nhiều cơ chế hợp tác với Việt Nam: Ủy ban Liên chính phủ; Cơ chế Đối thoại cấp Phó Thủ tướng về hợp tác kinh tế; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại; Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc .

Cũng theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, những năm qua thương mại hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đang được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà hai Bên tham gia, đặc biệt là Hiệp định VKFTA.

Cơ cấu hàng hóa ít có sự cạnh tranh trực tiếp

Không chỉ vậy, cơ cấu xuất khẩu của hai Bên có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc sản xuất (điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng) và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ hai sau Trung Quốc đối với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đặc biệt là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam.

"Hàn Quốc là nước mà Việt Nam có mức nhập siêu lớn thứ hai. Nhập siêu với Hàn Quốc mang tính tích cực vì đây là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước", lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thông tin và cho rằng, về lâu dài, Việt Nam vẫn cần quan tâm đến việc phát triển thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn thông qua áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc một cách đa dạng và hiệu quả.

Chú trọng xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu

Ông Phạm Khắc Tuyên, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng cho biết, thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.

Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.

Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc, ông Phạm Khắc Tuyên lưu ý, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.

Bên cạnh đó, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.

Ngày 7/12/2023 tại Seoul, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã cùng với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc

Điểm sáng công nghiệp

Bên cạnh hợp tác về thương mại, hợp tác công nghệ công nghiệp cũng được lãnh đạo cấp cao hai nước chú trọng, hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, các kỳ họp, tạo cơ hội giao lưu, xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.

Với ngành Công Thương, tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức vào tháng 12/2023, hai Bên đã thống nhất một số nội dung hợp tác quan trọng như: thống nhất kế hoạch hành động triển khai Biên bản ghi nhớ thành lập, vận hành Trung tâm hợp tác hợp tác công nghệ chuỗi khoáng sản thiết yếu; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao nhân lực ngành đóng tàu; thống nhất triển khai vận hành Trung tâm tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) sang Giai đoạn 2 (từ năm 2024-2028); tăng cường kết nối đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hóa chất; thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) thuộc Bộ Công Thương.

Hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn thực hiện thông qua hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, trong những năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là các tập đoàn mang tầm quốc tế như: Samsung, LG, Posco, Kia Motor, Huyundai Motor... đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp Việt Nam nhất là lĩnh vực điện tử, ô tô, cơ khí... nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, đặc biệt là tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong quan hệ với Việt Nam, Hàn Quốc đặc biệt chú ý đến hợp tác và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam, tham gia vào hầu hết tất cả các lĩnh vực năng lượng như: Hợp tác thăm dò khai thác dầu khí, hợp tác phát triển điện lực; hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch và điện hạt nhân...

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào ngày 27/6/2024, Giáo sư Lee Sang Keun-Trưởng đoàn nhà đầu tư tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc) cho biết, Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Chuyến công tác của đoàn doanh nghiệp tỉnh Jeollanam-do đến Việt Nam lần này là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu môi trường đầu tư, thế mạnh, văn hóa cũng như chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, những năm gần đây Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc đã ký kết một số Bản ghi nhớ (MOU) cụ thể như sau: MOU về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; MOU về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghiệp điện lực...

Hơn một nửa hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm Hàn Quốc tập trung vào lĩnh vực kinh tế

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, hơn một nửa hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh tế.

Hợp tác kinh tế vẫn luôn là điểm sáng, là trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương.

Thông qua các hoạt động đa dạng với giới kinh tế Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này, Việt Nam kỳ vọng hai bên sẽ nâng cao chất và lượng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đa dạng chuỗi cung ứng; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác lao động, công nghiệp văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước.

Qua đó, hai bên có thể thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, và góp phần thực hiện "Tầm nhìn chiến lược" về phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Việt Nam.

Phan Trang