Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10: Tháo bỏ áp lực quá tải

Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội diễn ra vào tháng 6. Hai bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, học sinh thi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 60 phút.

Phương án thi 3 môn tuyển sinh 10 là phù hợp với thực tế và đây cũng là điều mà học sinh và phụ huynh chờ đợi trong những ngày vừa qua. Bởi, thi 3 môn hay 4 môn cũng chỉ tuyển chừng ấy thí sinh nhưng thi môn thứ tư sẽ tăng thêm áp lực học tập, ôn thi rất lớn cho học trò lớp 9 vào những tháng cuối năm học này.

Thi 3 môn sẽ giảm áp lực cho thí sinh và đỡ tốn kém cho phụ huynh

So với các địa phương khác, kỳ thi tuyển sinh 10 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh những năm vừa qua có sự cạnh tranh gay gắt vì số lượng thí sinh dự thi đông, chất lượng nhưng tỉ lệ trúng tuyển đầu vào lớp 10 công lập lại thấp hơn so với các địa phương khác trên cả nước.

Học sinh Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: TTXVN

Đối với Hà Nội, trong mấy năm gần đây thường chỉ tuyển khoảng trên 60% học sinh lớp 9 đã tốt nghiệp Trung học cơ sở vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập. Vì thế, mỗi kỳ thi đi qua, Hà Nội luôn có mấy chục ngàn thí sinh rớt tuyển sinh 10 công lập.

Cho dù Hà Nội có rất nhiều trường ngoài công lập uy tín, chất lượng nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để cho con em mình học vì chi phí học tập thường cao hơn rất nhiều so với các trường công lập.

Trong khi đó, năm 2019 - lần đầu tiên Hà Nội tổ chức thi bốn môn bắt buộc tuyển sinh lớp 10, đó là: Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân và Địa lý). Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán + Điểm Ngữ văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm bài thứ tư + Điểm ưu tiên.

Tuy nhiên, 2 kỳ thi tuyển sinh vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều giai đoạn học sinh Hà Nội phải ở nhà, học trực tuyến trong thời gian dài. Chính vì vậy, Hà Nội đã giảm bài thi thứ tư để giảm áp lực cho học trò. Kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông chỉ còn ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2023-2024 thì Hà Nội đã khảo sát lấy ý kiến về nội dung kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 và đa số ý kiến đồng ý với việc thi 3 môn.

Sau khi lấy ý kiến khảo sát, ngày 22/2, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chốt phương án lựa chọn 3 môn thi: Toán, Văn và Ngoại ngữ cho kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2023-2024. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ giảm cho thí sinh rất nhiều áp lực học tập. Bởi thực tế, so với các địa phương khác, học sinh lớp 9 ở Hà Nội luôn phải học tập căng thẳng hơn rất nhiều để cạnh tranh 1 suất vào lớp 10 công lập.

Giảm áp lực thi cử cho học trò là cần thiết

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số lượng học sinh lớp 9 năm học 2022-2023 của địa phương này là hơn 100.000 em, nhiều hơn so với năm học trước vài trăm em. Điều này cũng đồng nghĩa tính cạnh tranh vào các trường Trung học phổ thông công lập vẫn rất gay gắt.

Hàng chục ngàn thí sinh sẽ rớt trong kỳ thi này - đó là một điều chắc chắn. Điều quan trọng hơn lúc này là tổ chức một kỳ thi gọn nhẹ nhất để có thể vừa đảm bảo được sự công bằng, khách quan trong tuyển sinh mà không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của học trò, tiền bạc của phụ huynh và kinh phí của địa phương.

Thêm môn thứ tư, hoặc bài thi tổ hợp cũng đồng nghĩa sẽ tăng thêm áp lực học tập cho học trò. Trong khi, lượng kiến thức của các môn thi mà học sinh lớp 9 hiện nay khá nặng.

Mỗi năm, học sinh lớp 9 phải học 175 tiết Ngữ văn; 140 tiết Toán và 105 tiết Ngoại ngữ. Với số tiết lớn như vậy, cũng đồng nghĩa với lượng kiến thức mà học sinh phải học là rất lớn. Đó là chưa kể, nhiều kiến thức trong kỳ thi tuyển sinh còn nằm rải rác ở các lớp 6, 7, 8 nên học sinh lớp 9 thi tuyển sinh 10 ở đâu cũng đang rất vất vả.

Riêng với môn Ngữ văn, bắt buộc học sinh phải học và ôn lại toàn bộ kiến thức tiếng Việt của 4 lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, cùng với khoảng 20 tác phẩm văn học cho phần làm văn đang thực sự quá tải cho học trò và ngay cả cho người dạy.

Đặt trong bối cảnh của Hà Nội - Thủ đô của đất nước - nơi mà phụ huynh luôn dành sự quan tâm và đầu tư đặc biệt cho con em mình sẽ thấy áp lực khi tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 hằng năm là rất lớn. Các em phải học trên sức lực của mình mới có thể vào các trường chuyên, không chuyên công lập vì bạn bè mình gần như đều có học lực tương đương với nhau.

Hà Nội năm nay có khoảng trên 100.000 thí sinh thi vào lớp 10 nên việc giảm 1 môn thi cũng đồng nghĩa học sinh đã giảm được rất nhiều sức lực và điều không kém phần quan trọng là phụ huynh ở đây sẽ giảm đi được rất nhiều chi phí học tập cho con em mình.

Không học thêm ở trường, ở nhà thầy cô giáo hoặc không có gia sư ôn luyện trường kỳ rất khó để học sinh đủ sức cạnh tranh 1 suất vào lớp 10 công lập - đó là một thực tế ai cũng thấy. Một khi học sinh này học thêm sẽ khiến cho học sinh khác bắt buộc cũng phải học thêm. Trong khi, thi 4 môn hay 3 môn thì cũng chỉ có chừng ấy chỉ tiêu đã được Ủy ban nhân dân thành phố ấn định từ khi chưa thi.

Hơn nữa, đối với học sinh lớp 9 đang học chương trình 2006 nên khi các em vào lớp 10 của chương trình 2018 cũng không ảnh hưởng nhiều. Mặc dù lớp 10 chương trình mới có tổ hợp nhưng đó vẫn là môn học độc lập, mang tính kế thừa các môn học từ lớp 9 - chương trình hiện hành. Vì vậy, việc thi 3 môn hay 4 môn cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc các em lựa chọn tổ hợp ở lớp 10 tới đây.

Chính vì thế, việc giảm môn thi thứ tư của Thành phố Hồ Nội là cần thiết, mang nhiều ý nghĩa đối với học sinh, phụ huynh cũng như các nhà trường Trung học cơ sở vì đã giảm đi được những áp lực không thực sự cần thiết trong kỳ thi tuyển sinh 10 tới đây.

Nguyễn Khanh