Hợp tác kinh tế Việt Nam – Nga: Tiềm năng lớn chờ được khai thác

Diễn đàn mang chủ đề “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng” diễn ra vào ngày 12/4/2024 tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng.

Nền kinh tế đã chứng tỏ được khả năng trụ vững đáng ngạc nhiên trong bối cảnh nước này hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.

Điều chỉnh chính sách để thích ứng với tình hình mới, Nga chủ trương tăng cường quan hệ kinh tế hướng Đông, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

MONG MUỐN HỢP TÁC

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga đã trải qua một số thăng trầm trong những năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc Nga bị phương Tây trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Hiện tại, mối quan hệ kinh tế song phương được đánh giá là chưa đạt hết tiềm năng và chưa xứng tầm với lịch sử quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Trong khuôn khổ , tiềm năng của quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga còn được mở rộng thêm khi Việt Nam có thể phát huy vai trò cầu nối giữa Nga và các nền kinh tế thành viên ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam còn đứng trước cơ hội lớn hợp tác với BRICS - “câu lạc bộ” mà Nga giữ vai trò thành viên sáng lập và hiện đang đẩy mạnh hợp tác nội khối.

Đặc biệt, bối cảnh Nga bị trừng phạt, tuy là một bất lợi lớn, nhưng cũng đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho các mối quan hệ hợp tác kinh tế nói trên.

Diễn đàn mang chủ đề “Hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng” diễn ra vào ngày 12/4/2024 là một sự kiện hội tụ đông đảo học giả và chuyên gia Nga và Việt Nam. Tại diễn đàn do Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia à Nội và Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, phối hợp tổ chức, 13 học giả và chuyên gia đã trình bày tham luận về thành quả, tiềm năng và triển vọng của quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như giữa Liên bang Nga với ASEAN và giữa Việt Nam với nhóm BRICS.

Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Tham tán Dương Hoàng Minh, Đại diện Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, khẳng định: “Mặc dù có tăng trưởng khá trong thời gian gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại giữa các quốc gia ASEAN và Nga còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng”. Ông Minh dẫn thống kê của Việt Nam cho biết: trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga đạt 3,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng rất thấp kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) được ký kết. Tuy nhiên, trong quý 1 năm 2024, thương mại giữa hai nước hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo cơ quan thống kê ASEANStats, tổng kim ngạch thương mại giữa Nga và ASEAN năm 2023 đạt 15,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

Đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, bà Bakeeva Ekateria, Tham tán công sứ, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác hai chiều giữa Nga với Việt Nam nói riêng và giữa Nga với ASEAN nói chung. “Nga mong muốn nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ phía Hiệp hội trên các nền tảng quốc tế, nơi các nỗ lực cô lập đất nước chúng tôi vẫn không ngừng nghỉ, giải quyết kịp thời hơn các vấn đề có khúc mắc trong chương trình nghị sự song phương và sự tham gia nhiều hơn của ASEAN vào việc thực hiện các dự án của Nga trong khu vực”, bà Ekateria phát biểu.

Đại diện Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng trường, nhấn mạnh rằng Nga là một cường quốc có nhiều thế mạnh kinh tế, đặc biệt là về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế số và công nghiệp năng lượng. “Việc hợp tác kinh tế giữa Nga, ASEAN và đã mang lại nhiều thành công nhất định… Quan hệ thương mại giữa các quốc gia trong các khu vực này vẫn còn tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh mẽ, có thể tạo ra một thị trường rộng mở trong tương lai, mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên”, ông Lê nói

TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Vneconomy, người từng có thời gian tu nghiệp ở Nga, bày tỏ sự tri ân đối với nền giáo dục Nga và mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có thêm cơ hội để được học tập ở Nga, bao gồm thông qua hợp tác giữa các trường đại học của Nga và các trường của Việt Nam. “Tôi mong muốn các trường đại học của Nga tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường Việt Nam. Các trường đại học phương Tây đã vào Việt Nam rất nhiều và giới thiệu tiềm năng giáo dục của họ, nhưng các trường của Nga tới Việt Nam còn ít”, ông Lâm đưa ra khuyến nghị.

NGUỒN THÔNG TIN QUÝ CHO CÁC NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH

Phát biểu bế mạc diễn đàn, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao tham luận của các diễn giả, xem đây là một nguồn thông tin và kinh nghiệm quý báu cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

“Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế và xã hội sau đại dịch Covid-19. Một nội dung quan trọng để Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay là làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Bên cạnh đó, để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, chúng tôi rất cần các thông tin và kinh nghiệm quốc tế, cũng như có thêm các cơ hội, để từ đó đề xuất các chủ trương chính sách mới cho Quốc hội, các cơ quan bộ ngành nhà nước và địa phương để tiến hành thực hiện”, bà Yến phát biểu.

“Những thông tin và khuyến nghị được đưa ra tại diễn đàn ngày hôm nay sẽ là một nguồn tham khảo quan trọng cho Quốc hội và các đại biểu Quốc hội Việt Nam. Đây là một diễn đàn hết sức quan trọng và tôi mong rằng các nhà khoa học sẽ tiếp tục có những đóng góp để tăng cường sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Nga nói riêng cũng như Nga - ASEAN và Việt Nam - BRICS nói chung”, bà Yến nói...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kiều Oanh