Kết nối yêu thương

GD&TĐ - Dù không phát động ủng hộ đại trà, nhưng các trường học ở vùng dịch đều tìm cách huy động mọi nguồn lực để lo Tết cho học sinh nghèo.

Chiến sĩ và giáo viên Trường Mầm non Núa Ngam (Điện Biên) gói bánh chưng tặng học sinh và hộ nghèo trên địa bàn.

Quà tặng cho học sinh chủ yếu là nhu yếu phẩm để các em góp Tết cùng gia đình. Có một số trường, học sinh được tặng thêm bộ quần áo mới để mặc Tết. Sự sẻ chia của thầy cô giáo và bạn bè đã giúp các em có một mùa xuân ấm áp bởi tinh thần tương thân tương ái.

Nuôi heo đất vì bạn nghèo

Thầy Phạm Đình Kha - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Đã thành truyền thống, mỗi lớp đều có một con heo đất do HS tự nguyện đóng góp nhằm gây quỹ động viên, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Từ nguồn tiết kiệm này, mỗi lớp sẽ tặng 2 suất quà Tết cho HS. Toàn trường có 40 suất quà được hỗ trợ từ phong trào nuôi heo đất của HS. Mỗi suất quà từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng”.

Ngoài ra, Trường THPT Võ Chí Công đã kết nối với một số nhà hảo tâm để có thêm khoảng 20 - 30 suất quà cho những học sinh có gia đình thuộc diện khó khăn khác. Quà chủ yếu là nhu yếu phẩm, gồm gạo, nước mắm, dầu ăn và một khoản tiền nhỏ để HS mang về góp chút xuân cùng với gia đình.

“Hai năm liền, Đà Nẵng trải qua 3 đợt dịch Covid-19 với ảnh hưởng nặng nề về kinh tế. Nhiều gia đình gần như mất hết thu nhập. Chúng tôi biết nhiều đơn vị, doanh nghiệp trước đây thường hỗ trợ cho HS của trường cũng đang gặp khó khăn nhưng vẫn chung tay cùng nhà trường lo Tết cho HS nghèo. Vì vậy, so với những năm trước, giá trị vật chất của mỗi phần quà Tết gửi đến các em HS không thể bằng nhưng giá trị tinh thần thì khó mà đong đếm được” – thầy Kha cho biết.

Học sinh điểm trường Tắk Pổ được tặng ủng đi mưa.

Cũng từ nguồn ủng hộ tự nguyện của phụ huynh, 35 HS thuộc diện gia đình khó khăn của Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng nhận được quà Tết gồm một số nhu yếu phẩm trước khi nghỉ Tết, như là một cách chia sẻ một phần khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, từ năm 2021, nhà trường nhận bảo trợ dài hạn cho một em HS của trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Trước mắt, sự hỗ trợ này sẽ kéo dài cho đến hết năm 2022. Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “HS đang sống với ông bà đã ngoài 80 tuổi, không còn khả năng lao động. Chỉ mong sao những giúp đỡ này sẽ là nguồn động viên để việc học của em không bị đứt gánh giữa đường”.

Để đường học của HS vùng dịch bớt đi những gập ghềnh, ngoài 35 suất quà Tết trị giá 1 triệu đồng/suất cho HS có hoàn cảnh khó khăn, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) còn trao thêm 15 điện thoại thông minh để giúp các em có đủ điều kiện học trực tuyến.

“Đầu năm, nhà trường tổ chức 1 đợt khảo sát và vận động một đợt hỗ trợ cho những HS thiếu phương tiện học trực tuyến. Tuy nhiên, qua hết một học kỳ, nhiều em bị hư hỏng thiết bị, không đáp ứng được điều kiện học tập. Vì vậy, nhà trường kết nối với Hội cựu học sinh của trường để tổ chức hỗ trợ đợt 2” – thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay. Trường THCS Kim Đồng, ngoài 100 suất quà Tết cho HS, từ nguồn quỹ của cựu HS nhà trường, còn có thêm 20 suất học bổng cho HS nghèo vượt khó.

Có một điều đặc biệt trong cách trao quà Tết của các trường học, như là một bài học quý cho HS về cách “cho” và “nhận”. Ban giám hiệu các trường đều không tổ chức trao quà Tết cho các em tại buổi sinh hoạt lớp. Như Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi giấy mời cho HS để các em đến hội trường nhận quà. “Trao quà cho HS của mình, chúng tôi cũng phải hết sức tế nhị. Thực sự không một HS khó khăn nào muốn phơi bày hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình mình cho các bạn biết cả” – cô Nguyễn Thị Kim Huệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Ninh (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhận quà Tết từ chương trình Xuân yêu thương.

Áo mới cùng em vui xuân

Từ những chắt chiu, sẻ chia của thầy cô giáo, hội cha mẹ học sinh và tấm lòng của các nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện, HS có hoàn cảnh khó khăn sẽ có một mùa xuân ấm áp, xúng xính với quần áo mới. Ngoài túi quà gồm nhu yếu phẩm gửi về cho gia đình, HS tiểu học và mầm non toàn huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đều được tặng một chiếc áo ấm dày dặn.

Anh Nguyễn Quang Thế - thành viên của nhóm thiện nguyện 76 Quảng Ngãi - thông tin: “Đồng bào trên này đa phần là khó khăn. Năm nay, dịch lại kéo dài, ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động thiện nguyện. Vì vậy, ngoài nhu yếu phẩm để hỗ trợ gia đình, mỗi HS tiểu học và mầm non còn có thêm áo ấm mới để các em mặc trong những ngày rét mướt”.

Những chiếc áo ấm, với HS vùng núi cao, là món quà quý không dễ gì có được. 50 học sinh ở điểm trường trong mây Tắk Pổ (Nam Trà My) đã gìn giữ cẩn thận chiếc áo len đầy yêu thương của một cụ bà ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng từ 2 năm trước, để đến mùa đông lại lấy ra mặc.

Học sinh một số trường tiểu học ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) còn được tặng ủng đi mưa. Những đôi chân nhỏ sẽ không phải lội trong bùn non lạnh lẽo vào ngày mùa đông tháng giá với những cơn mưa kéo dài ở nơi được mệnh danh là túi mưa của cả nước.

Tết đến, với trẻ em, là niềm vui được diện tấm áo mới khoe với bạn bè. Dù HS vẫn đang học trực tuyến nhưng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã nhờ giáo viên chủ nhiệm lấy số đo, cân nặng của HS để tặng quần áo mới cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là món quà Tết đặc biệt cho gần 65 HS của trường, ngoài một số nhu yếu phẩm cần thiết.

“Nhiều HS không biết đến áo quần Tết là gì. Nên khi có hai ngày sau Tết được mặc áo quần đẹp đi học, các em vẫn mặc đồng phục đến trường. Năm nay, từ nguồn kinh phí huy động được, mỗi HS sẽ có thêm một chiếc áo ấm. Mỗi bộ áo quần chỉ khoảng 400 nghìn đồng, nhưng đó là niềm vui của con trẻ trong ngày đầu đến trường sau kỳ nghỉ Tết”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành thông tin.