Khởi động đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp

Đông đảo đại biểu tham dự lễ khởi động đề án - Ảnh: C.K

Sáng 5.4, tại Hợp tác xã (HTX) Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) đã diễn ra lễ khởi động tại cánh đồng thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Mô hình canh tác lúa mới với mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm dùng nước, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của đề án.

Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: C.K

Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, thành phố có diện tích trồng lúa khoảng 75.000ha, hàng năm sản xuất 3 vụ với tổng sản lượng hơn 1,3 triệu tấn lúa. Giai đoạn 2016-2022, ần Thơ tham gia thực hiện dự án VnSAT với diện tích 38.000ha, có 32.000 hộ nông dân tham gia, bước đầu dự án đã giúp ngành lúa gạo của thành phố đạt được một số điểm nổi bật.

“Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được từ dự án VnSAT, TP cam kết nỗ lực thực hiện thắng lợi đề án. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp với quy mô 38.000ha; giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha”, ông Hè nói.

Ông Hè cũng cho biết, ngành lúa gạo vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức. Thu nhập của bà con nông dân trồng lúa vẫn thấp; còn sử dụng lãng phí nhiều nguồn tài nguyên như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng cơ giới hóa ở một số khâu chưa đồng bộ; ngành lúa gạo chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu…

San phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ - Ảnh: C.K

TS Nguyễn Văn Hùng (chuyên gia cao cấp của Viện Lúa quốc tế - IRRI) cho rằng, cánh đồng trên áp dụng tất cả các tiêu chí của đề án với công nghệ sạ hàng kết hợp vùi phân, hay sạ hàng rộng hàng hẹp để có thể đưa máy vào làm cỏ sau này, không dùng thuốc diệt cỏ.

Mặt khác, việc canh tác tận dụng tối đa ánh sáng giúp lúa tăng năng suất; giảm số lần bón phân từ 3-4 lần trước đây xuống còn 2 lần, tương đương giảm 20% phân bón; cùng với đó là giảm nước, giảm rủi ro dịch bệnh, giảm đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch. Sau thu hoạch, bà con nông dân sẽ thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm, phân bón, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa... Vì vậy, mô hình này giúp giảm phát thải khí nhà kính, tăng giá trị hạt lúa và bán tín chỉ carbon…

Thông tin về canh tác lúa theo quy cách mới - Ảnh: C.K

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho hay, đề án không chỉ thuần túy về kỹ thuật, giúp nâng cao hạ tầng cơ sở cho sản xuất, mà còn tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, giá trị hạt gạo tăng lên, phát thải thấp đi và phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Áp dụng máy sạ hàng đời mới - Ảnh: C.K

Cũng theo ông Tùng, nòng cốt của đề án là hình thành những hợp tác xã, tổ chức nông dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo; tăng về giá, ổn định lâu dài và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

“Chúng tôi mong bà con nông dân, các cán bộ kỹ thuật cũng như bạn bè quốc tế hãy nhìn đề án, sự đóng góp của chúng ta cho nền nông nghiệp. Mục đích để làm giảm đi những thiệt hại, rủi ro; tạo thêm nhiều sinh kế, thu nhập cho người nông dân; góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”, ông Tùng nói.

Trước đó vào ngày 2.4, tại TP.Cần Thơ, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện đề án.

Theo ông Nam, để đề án thành công cần chú ý đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho các cán bộ khuyến nông và các HTX, nhất là thành viên HTX. Đồng thời lựa chọn các HTX năng động để tham gia đề án nhằm làm điểm nhân rộng. Bên cạnh đó cần quan tâm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nông dân hiểu được các lợi ích khi tham gia đề án...

Văn Kim Khanh