Kinh tế toàn cầu dịu đi sau hành động của các ngân hàng trung ương

Các dấu hiệu về một bước ngoặt của nền kinh tế toàn cầu xuất hiện khi các ngân hàng trung ương đã phát đi thông điệp về chuỗi tăng lãi suất kéo dài của họ còn lâu mới kết thúc. Ảnh: Reuters

Hoạt động kinh doanh chậm lại trên toàn cầu

Các cuộc khảo sát cũng chỉ ra áp lực lạm phát đã giảm bớt, với việc các doanh nghiệp báo cáo chi phí sản xuất cũng như giá thành hàng hóa giảm xuống. Sự kết hợp giữa nhu cầu và giá cả hạ nhiệt sẽ là tin vui đối với các ngân hàng trung ương, vốn đã thất vọng vì tỷ lệ lạm phát vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã tăng lên trong quý đầu tiên của năm nay, được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19, bất chấp sự suy giảm ở khu vực đồng Euro. Khả năng phục hồi đó đã khiến các ngân hàng trung ương ngạc nhiên và khiến việc chế ngự lạm phát trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, các cuộc khảo sát được công bố cuối tuần này bởi công ty dữ liệu S&P Global đã cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất giảm xuống ở khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Australia. Đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vốn tăng trưởng mạnh, nay cũng đã chậm lại so với những tháng trước, trong khi hoạt động sản xuất vẫn còn yếu.

Hoạt động kinh doanh cũng nguội lạnh ở Mỹ, nhưng mức độ giảm thấp hơn so với các nơi khác trên thế giới. Các công ty dịch vụ của Mỹ đã báo cáo tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 6 trong khi hoạt động sản xuất co lại vì đơn đặt hàng thấp, theo khảo sát của S&P Global.

Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ - một thước đo hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - đã giảm xuống 53 vào tháng 6/2023, từ mức 54,3 vào tháng trước. Chỉ số trên 50 chỉ ra rằng hoạt động đang tăng lên, trong khi chỉ số dưới 50 chỉ ra sự suy giảm trong hoạt động.

PMI tổng hợp của khu vực đồng Euro đã giảm xuống 50,3 trong tháng 6, hầu như không ghi nhận tăng trưởng, so với mức 52,8 của tháng trước.

"Điều này cho thấy việc thúc đẩy mở cửa trở lại hoạt động dịch vụ hiện đang ở giai đoạn cuối cùng, cộng thêm môi trường kinh doanh trì trệ mà chúng ta hiện đang gặp phải" - Bert Colijn, chuyên gia kinh tế tại ING cho biết. “Một quý nữa tăng trưởng âm đang có nhiều khả năng xảy ra” - Colijn nói.

Các ngân hàng trung ương “diều hâu” hơn để đối phó lạm phát

Kinh tế chậm lại trong tháng 6 đặc biệt mạnh mẽ ở Pháp, nơi các cuộc khảo sát chỉ ra sự suy giảm hoạt động trong tháng đầu tiên kể từ đầu năm.

Người dân mua sắm ở Berlin, Đức. Dữ liệu mới chỉ ra sự chậm lại trong hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng Euro. Ảnh: Bloomberg

Nền kinh tế khu vực đồng Euro giảm nhẹ trong quý đầu năm nay và quý cuối cùng của năm 2022, phù hợp với định nghĩa về một cuộc suy thoái kỹ thuật. Các cuộc khảo sát cho thấy nền kinh tế khu vực có thể chưa thoát khỏi suy thoái trong quý này, hoặc chỉ tăng trưởng nhẹ nếu có.

Bất chấp sự yếu kém đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước đã tăng lãi suất cơ bản, đồng thời tăng dự báo lạm phát trong những năm tới. ECB cũng cho biết gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất tương tự tại cuộc họp tháng 7. "Chúng tôi không nghĩ đến việc tạm dừng" - Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói với các phóng viên.

Mohit Kumar - chuyên gia kinh tế tại Jefferies cho biết: "Tuần này, các ngân hàng trung ương theo quan điểm diều hâu trở thành tâm điểm, với sự thay đổi rõ ràng về giọng điệu từ FED, đến BoE nhiều hơn dự kiến".

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro đã giảm xuống còn 6,1% trong tháng 5, từ mức 7% trong tháng 4, vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát của Mỹ và mục tiêu 2% của ECB. Các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng đã chỉ ra áp lực về giá đã giảm bớt hơn nữa trong tháng 6, với việc các doanh nghiệp báo cáo chi phí của họ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 12/2020, trong khi giá thành hàng hóa tăng với tốc độ chậm nhất trong 27 tháng.

Các cuộc khảo sát riêng biệt tại Vương quốc Anh cũng chỉ ra sự chậm lại của hoạt động sản xuất, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng trong quý này.

Các dấu hiệu về một bước ngoặt của nền kinh tế toàn cầu xuất hiện khi các ngân hàng trung ương đã phát đi thông điệp về chuỗi tăng lãi suất kéo dài của họ còn lâu mới kết thúc.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 22/6 đã tăng lãi suất cơ bản lên nửa điểm phần trăm, đồng thời cho biết có thể tăng chi phí vay hơn nữa trong các cuộc họp sắp tới.

Cùng ngày, các ngân hàng trung ương của Thụy Sỹ, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lãi suất cơ bản, trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương nước này có thể tăng lãi suất một lần nữa trong những tháng tới.

Trên toàn thế giới, hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã được tăng cường vào năm 2023 khi việc loại bỏ các hạn chế Covid-19 kéo dài đã mang đến cho người tiêu dùng cơ hội làm tất cả những điều họ không thể làm trong những năm đại dịch, bao gồm cả du lịch nước ngoài.

Nhưng sự chậm lại của tháng 6 trong lĩnh vực này không chỉ giới hạn ở châu Âu, nơi giá lương thực và năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách hộ gia đình. Theo các cuộc khảo sát, các nhà cung cấp dịch vụ cũng chứng kiến sự suy giảm nhu cầu ở Australia và Nhật Bản./.

Hoàng Lê (theo The Wall Street Journal)