Kỳ vọng phát triển kinh tế từ các doanh nghiệp FDI

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái) trao đổi về tình hình thu hút đầu tư của Phú Yên với các nhà đầu tư tại chương trình gặp mặt, chúc tết nhà đầu tư, chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài năm 2024. Ảnh: NHƯ THANH

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư nước ngoài của ú Yên không ngừng được đẩy mạnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, Phú Yên đã tập trung thu hút đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, điện tử, năng lượng tái tạo, du lịch và nông, lâm, thủy sản; trong đó, vốn đầu tư ngành Dịch vụ - du lịch chiếm tỉ trọng hơn 71%. Tỉnh hiện có 39 dự án FDI từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đang triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Các doanh nghiệp FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH.

Đầu tư nước ngoài đã và đang tạo ra một số ngành công nghiệp mới, tăng thêm năng lực cho ngành Công nghiệp của tỉnh như: Mía đường; chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; điện tử, năng lượng tái tạo; dịch vụ - du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho trên 23.230 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, Phú Yên đã từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật trình độ cao, lao động có tay nghề và có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, học hỏi và ứng dụng được các phương thức, kinh nghiệm quản lý.

Là một trong những doanh nghiệp FDI của Ấn Độ hoạt động lâu năm trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) đang từng bước khẳng định vị trí cũng như vai trò trong đóng góp phát triển kinh tế địa phương. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc công ty cho biết: Năm 2023 là một năm thành công với bà con nông dân trồng mía và KCP.

Công ty đã mua mía với giá 1,3 triệu đồng/tấn mía tại ruộng đối với mía 10 chữ đường và ép được 1,26 triệu tấn mía cây. Việc sản xuất đường, bán đường và đóng góp vào ngân sách nhà nước trong vụ ép 2022-2023 cũng cao nhất trong lịch sử của KCP. Nhờ đó, việc chăm lo đời sống cho người lao động cũng như tham gia các hoạt động an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ.

Công ty đã thưởng tết cho người lao động 4 tháng lương. Trong vụ ép 2023-2024, KCP tiếp tục ban hành các chính sách đầu tư ưu đãi cho nông dân trồng mía như: Chính sách hỗ trợ không hoàn lại đối với mía trồng mới; đầu tư hệ thống tưới, cơ giới hóa, miễn giảm lãi suất… với tổng số tiền khoảng 60 tỉ đồng; đầu tư 430 tỉ đồng cho vùng nguyên liệu mía với diện tích 23.000ha.

Sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư

Theo Sở KH&ĐT, mạng lưới các đối tác nước ngoài đang từng bước được củng cố và phát triển. Phú Yên đẩy mạnh đối thoại chính sách, thiết lập chế độ cạnh tranh lành mạnh hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư nước ngoài, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Để thu hút đầu tư FDI, Phú Yên triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư dự án, đặc biệt là tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên và các dự án xã hội hóa được áp dụng theo quy định. Công tác quy hoạch luôn được các cấp lãnh đạo chú trọng. Đến nay, hầu hết quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch ngành/sản phẩm của tỉnh đã được lập và phê duyệt, là cơ sở để quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ hội để Phú Yên tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa lý, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững hơn. Đồng thời, quy hoạch cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh.

Chia sẻ kỳ vọng vào sự phát triển của Phú Yên trong thời gian tới, ông Alanin Bachmann, Tổng quản lý Zannier Hotels Bãi san hô Phú Yên cho biết: Phú Yên không những thuận lợi về vị trí địa lý mà còn đi kèm nhiều tiềm năng phát triển bởi đường bờ biển dài, đẹp và còn giữ được nhiều nét hoang sơ tự nhiên.

Từ khi đi vào hoạt động, Zennier Hotels Bãi san hô Phú Yên đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Gần đây, Phú Yên càng khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Đây là cơ hội để tỉnh bứt phá, trở thành địa phương mạnh về dịch vụ - du lịch.

NHƯ THANH