Kỳ vọng 'sóng' tăng sau Tết Nguyên đán

Tuần qua (29/1 – 2/2), giao dịch bất ngờ tăng vọt. Trên sàn HoSE, thanh khoản đã đạt tới 86.459 tỷ đồng, tăng 17,7% so với tuần trước đó. Tương tự, tại sàn HNX, thanh khoản cũng tăng mạnh 21,8%. Dù vậy, chỉ số -Index lại giảm nhẹ và giá cổ phiếu không bứt phá, liên tục bị chốt lời mỗi khi bật tăng.

Giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ

Có thể thấy, thị trường đang có dấu hiệu “nghỉ ngơi” khi điểm số tiến về vùng kháng cự mạnh 1.180 điểm. Diễn biến này phù hợp với bối cảnh thị trường khi nhà đầu tư chỉ còn vài phiên giao dịch trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang bước vào giai đoạn trống thông tin hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu trước đó.

Thị trường đang có dấu hiệu “nghỉ ngơi” khi điểm số tiến về vùng kháng cự mạnh 1.180 điểm.

Theo giới phân tích, tâm lý chốt lời đang lên cao khi thị trường cận Tết. Chưa kể nhà đầu tư thường có xu hướng giữ danh mục ở mức bình thường, ít sử dụng margin bởi thời gian nghỉ lễ sắp đến, khiến thanh khoản xuống như mọi năm. Do đó, những phiên giao dịch cuối năm thường có tâm lý tương đối thận trọng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng thị trường sẽ đi lình xình như hiện tại, thậm chí có thể điều chỉnh trước kỳ nghỉ lễ. Việc thị trường có phiên tăng kỹ thuật hay giảm kỹ thuật là điều bình thường. Tình trạng thanh khoản thấp cũng có thể duy trì đến Tết.

Chứng khoán Vietcap (Vietcap) đánh giá tâm lý giao dịch thận trọng trước kỳ nghỉ Tết có thể khiến thanh khoản sụt giảm. Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index hiện là 1.164 - 1.168 điểm, kết hợp giữa đường MA20 ngày và mức đáy gần nhất vừa được thiết lập.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với động thái thận trọng hiện tại, thị trường vẫn chưa thể lấy lại thế tăng trước đó và sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra lại cung cầu.

Ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Asset nhận xét, triển vọng tích cực từ các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… để phản ánh vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng thì cần có thời gian. "Quan trọng hơn là nhà đầu tư và thị trường sẽ lượng hóa thông tin tích cực từ những chính sách mới ra sao. Thời điểm này đang là mùa công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết, bức tranh lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng nên VN-Index dù đi lên nhưng khó tạo thành sóng tăng thật sự", ông Khánh nêu quan điểm.

VN-Index có thể chạm mốc 1.200 điểm sau kỳ nghỉ lễ

Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền vẫn có nỗ lực nâng đỡ nên thị trường vẫn có cơ hội dần tăng sau trạng thái tranh chấp hiện tại.

Hơn nữa, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường được nhận định đã qua. Khi mà các chính sách hỗ trợ thị trường và nền kinh tế gần như đã được định hình rõ ràng thì giai đoạn tới, các yếu tố tác động chính đến thị trường sẽ gồm: Triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế và các nhóm ngành.

Mặt khác, dù nhiều nhà đầu tư cá nhân chọn bán ra để lấy tiền "ăn Tết" cũng như giảm thiểu rủi ro trong kỳ nghỉ Tết dài, chiều ngược lại vẫn có nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội "nhặt nhạnh" cổ phiếu nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau Tết.

Theo đó, các chuyên gia tin rằng dòng tiền của nhà đầu tư trong nước (đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân) sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ sau kỳ nghỉ lễ và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán đi lên.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thông thường, những tuần gần Tết và sau Tết hầu như thị trường diễn biến tích cực nhưng trong biên độ hẹp. Năm 2024, với câu chuyện kỳ vọng kinh tế phục hồi và nâng hạng thị trường là những yếu tố chính giúp cho thị trường khó có kịch bản tiêu cực.

Theo ông Minh, dù áp lực bán gia tăng, song tâm lý người chờ mua cũng tận dụng cơ hội để "canh mua vào bắt đáy". Bởi thời gian gần đây, dòng tiền khá ảm đạm và thị trường gần như đi ngang nên những đợt điều chỉnh được nhiều nhà đầu tư "lỡ sóng" xem là cơ hội giải ngân tốt.

Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, thị trường kỳ vọng hơn vào cuộc họp đại hội đồng cổ đông, các công ty đặt kế hoạch ra sao, chia cổ tức như thế nào, đây là các yếu tố hỗ trợ thị trường nhiều hơn. Tại thời điểm cuối tháng 2, thị trường có thể tiệm cận ngưỡng 1.180 điểm, áp sát 1.200 điểm.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, có nhiều yếu tố để kỳ vọng vào giai đoạn sau Tết, thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn, liên quan đến các câu chuyện Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ hạ lãi suất vào tháng 3, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có những con số tăng trưởng khá tích cực và dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại thị trường… Nhìn xa hơn, thị trường có thể chờ đón những thông tin mới liên quan đến câu chuyện nâng hạng, triển khai hệ thống giao dịch KRX…

“Thị trường có thể chạm mốc 1.200 điểm tại cuối tháng 2/2024 với động lực chính từ sự phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là cơ sở để tin tưởng diễn biến thị trường chứng khoán 2024 sẽ tích cực, đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã ở mức thấp, dư địa giảm thêm không còn nhiều”, KBSV nhận định.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị thay vì chờ sau Tết mới giải ngân, những nhà đầu tư khôn ngoan nên tận dụng những phiên điều chỉnh trước Tết nhằm tích lũy cổ phiếu với mức giá chiết khấu, ưu tiên cổ phiếu trong những ngành có thông tin cơ bản hỗ trợ như ngân hàng, chứng khoán và bán lẻ. Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý là không lạm dụng đòn bẩy (vay margin) ở thời điểm trước Tết mà nên sử dụng tiền sẵn có để giảm bớt chi phí vốn.

Trong đó, các nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, năng lượng xanh, chứng khoán, dầu khí… được nhận định có nhiều tiềm năng.

Hải Giang