Kỳ vọng vào động lực dẫn dắt của đầu tư công

Đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Sức ép giải ngân vốn ĐTC năm 2023 là rất lớn, khi Quốc hội đã thông qua kế hoạch ĐTC năm 2023 với tổng số vốn hơn 710.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả giải ngân vốn ĐTC 9 tháng năm 2023 lần đầu tiên vượt mức 50% là kết quả rất tốt. “Năm 2023 không giống các năm trước, lượng vốn rất lớn nhưng ước thanh toán đến ngày 30-9-2023 đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn ĐTC, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái là hơn 110.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu vừa được đưa vào sử dụng đầu tháng 8-2023. Ảnh: BẢO LINH

Kết quả tích cực này có được là do các bộ, ngành và địa phương đã chủ động tập trung triển khai phân giao kế hoạch vốn ĐTC năm 2023. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã giao từng đầu việc cụ thể cho mỗi sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm tiến độ cam kết, từ đó đã thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC từ sớm, từ xa... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ các tháng đầu năm.

14-3-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn ĐTC tại các bộ, ngành, địa phương. Các tổ công tác đã quyết liệt kiểm tra, đôn đốc, tìm giải pháp tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC. Ngày 23-3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ĐTC, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ngay trong tháng 8-2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 749/CĐ-TTg về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2023.

Điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt

Kết quả giải ngân vốn ĐTC 9 tháng đã phần nào đáp ứng được sự kỳ vọng, song vẫn còn một khối lượng rất lớn kế hoạch vốn cần thực hiện, để đạt tỷ lệ giải ngân năm 2023 là trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9, vẫn có tới 29 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC dưới 30% kế hoạch; trong đó có 17 bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân dưới 10%.

Thêm vào đó, tuy chỉ có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30% song có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Nguyên nhân chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, đối với công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc do đặc thù của từng dự án. Chính vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC.

Trong bối cảnh hiện nay, ĐTC vẫn được các chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là động lực dẫn dắt kinh tế Việt Nam hồi phục. Việc thực hiện hiệu quả ĐTC sẽ hỗ trợ tổng cầu, qua đó tạo việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ĐTC, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án ĐTC từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng, ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản... vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án và hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Nhìn ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn ĐTC. Theo đó, các cơ quan liên quan, các địa phương phải thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương theo quy định, để bảo đảm thực hiện và giải ngân hết số vốn đã được giao.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án ĐTC. Cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng bảo đảm đúng quy định của Luật Xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.