Kỳ vọng vào sự bứt phá trong năm 2024

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra khu tái định cư tại xã Khánh Cư (Yên Khánh). Ảnh: ANH TUẤN

Bức tranh kinh tế đa màu

Trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm... đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trong bối cảnh này, với nỗ lực của cả hệ thống chínhtrị, cộng đồng doanh nghiệp, Bình vẫn lựa chọn kiên định với kịch bản tăng trưởng đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất cao với quan điểm tập trung cao độ, quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đề xuất điều chỉnh nâng cao mụctiêu đối với các chỉ tiêu có khả năng hoàn thành vượt mức;

kiên định với những chỉ tiêu gặp khó khăn do ảnh hưởng của những yếu tố khó đoán định, không lường trước.

Đồng thời, trên cơ sở thực tiễn đề ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mới, có tính chiến lược; thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để vượt qua khó khăn, thách thức nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn, vì sự phát triển của tỉnh và đất nước. Với những chủ trương đúng đắn, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/15 chỉ tiêu chủ yếu (trong đó có 10 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức). Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 53.389,76 tỷ đồng, tăng 7,27% so với năm 2022, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mặt bằng chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 88,03 triệu đồng.

Có thể thấy, trong điều kiện khó khăn "tứ bề" nhưng bức tranh kinh tế của tỉnh vẫn có những gam màu sáng. Sản xuất công nghiệp dần phục hồi, nhất là những tháng cuối năm; đã vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn từ tình hình chung của quốc tế và trong nước, đạt được mức tăng trưởng dương với giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,51% so với năm 2022, dù mức tăng trưởng không lớn, nhưng là kết quả rất đáng khích lệ trong điều kiện khó khăn chung của tình hình thế giới và trong nước.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ với giá trị GRDP ngành nông-lâm-thủy sản tăng 2,86% so với năm 2022; giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 155 triệu đồng,vượt 1,3% kế hoạch. Xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục đạt kết quả tích cực, toàn diện, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, toàn bộ 119/119 xã và 8/8 huyện, thành phố đã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó có 50/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 18/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có trên 430 thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Đặc biệt, khu vực dịch vụ đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng của tỉnh trong năm 2023, với giá trị GRDP tăng 13,23% so với năm 2022, là năm thứ hai liêntiếp có tốc độ tăng trưởng cao với hai con số. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 36,7% so với năm 2022; 12/12 nhóm hàng hóa có mức tăng cao so với năm trước. Du lịch tiếp tục phục hồi và pháttriển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, tiếp tục nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Năm 2023 đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, tăng 76,4% so với cùng kỳ, vượt 22,5% kế hoạch năm; doanh thu đạt gần 6.380 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm trước và vượt 23,8% kế hoạch năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bức tranh kinh tế Ninh Bình vẫn còn những gam màu trầm. Trong đó, đáng chú ý là 3 chỉ tiêu phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP; thu ngân sách nhà nước; tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do tìnhhình chính trị, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường đã gây ra sự thiếu hụt, chậm trễ trong việc cung ứng nguyên vật liệu, giá tăng cao; sức mua trên thị trường trong nước và quốc tế suy giảm, dẫn đến các doanh nghiệp không có đơn hàng mới; lượng tồn kho tăng... ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp và xuất, nhập khẩu của tỉnh. Các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm... thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến tốc độ tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ, đạt 96,2% kế hoạch năm. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm số thu ngân sách so với cùng kỳ và đạt thấp so với dự toán. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt 18.425,7 tỷ đồng, đạt 82,3% dự toán. Ngoài ra, việc hấp thụ vốn của các ngành kinh tế còn yếu, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Du khách tham quan Tràng An. Ảnh: Minh Đường

Kiên định với mục tiêu đã chọn

Những kết quả đạt được tuy chưa được trọn vẹn như mong muốn nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh có quyền tin tưởng, kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ của vùng đất Cố đô nghìn năm lịch sử trong năm 2024, tạo thế bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Theo đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, nhất là các chỉ tiêu đã được Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 thống nhất điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ninh Bình đang tập trung thực hiện những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ rất lớn, có tính chiến lược, định hình phát triển cho nhiều giai đoạn sau này, thể hiện khát vọng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Trong đó trọng tâm là xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, về cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở đó, Ninh Bình tiếp tục kiên định các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội. Mục tiêu cụ thể mà tỉnh Ninh Bình hướng đến là trở thành hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển;

định hình tính chất, chức năng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa của quốc gia và quốc tế; xác lập vị trí đầu tàu và mắt xích trọng yếu kết nối mạng lưới các di sản, thành phố sáng tạo của vùng và liên vùng, quốc gia và quốc tế, hội nhập sâu vào mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO trên thế giới. Nghiên cứu, rà soát, báo cáo, đề xuất với Trung ương ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công các nhiệm vụ trên.

Nguyễn Thơm