Mở rộng hình thức tiêu thụ đặc sản

Các chủ thể có sản phẩm OCOP của TP Hà Nội tham gia livestream kích cầu thương mại và tiếp thị sản phẩm. Ảnh: Trần Lê

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2020, thành phố có 1.054 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống... Tuy nhiên, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng còn không ít hạn chế. Vì thế, phát triển thương mại điện tử giúp quảng bá sản phẩm, kéo gần khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, bỏ qua các khâu trung gian, cho nên cắt giảm được chi phí cho cả người bán lẫn người mua. Ðể giúp các chủ thể sản phẩm OCOP, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức "Ngày hội livestream sản phẩm OCOP" diễn ra cuối tháng 6 và ngày 10/7, tại hai kênh fanpage: OCOP Live và VTC Now, với nhiều sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao như miến dong (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai), rượu mơ núi Tản (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), gà đồi Ba Vì, trứng gà sạch (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ), rau hữu cơ (xã Ðan Phượng, huyện Ðan Phượng)... Ngày hội đã thu hút nhiều chủ thể sản phẩm OCOP và hàng nghìn lượt người xem.

Anh Vũ Văn Ngọc, thành viên Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, đơn vị chuyên bán trứng gà, các sản phẩm từ gà đã qua giết mổ, lần đầu tiên thực hiện livestream giới thiệu, với thế mạnh vùng đất đồi rộng rãi, nhiều cây cối rất thuận lợi cho chăn nuôi gà thả đồi. Năm 2014, Hội gà đồi Ba Vì ra đời, quy tụ hơn 60 hộ chăn nuôi gà số lượng lớn, thực hiện chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Sản lượng từ năm đến sáu triệu con mỗi năm. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn, năm 2019, sản phẩm gà đồi Ba Vì đạt chứng nhận OCOP 3 sao của Hà Nội. Các sản phẩm được đóng gói trong bao bì, với tem nhãn mác được bảo hộ độc quyền, thể hiện đầy đủ quy trình chăn nuôi, thành phần dinh dưỡng... để khách hàng tránh nhầm lẫn mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đại diện Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì còn có hình thức khuyến mại hấp dẫn. Trong ngày bán hàng trực tiếp qua video, người tiêu dùng đặt mua một con gà được giảm giá 10%, nếu đặt từ hai đến năm con gà được tặng mười quả trứng gà so, còn nếu đặt hàng từ sáu đến mười con gà tặng mười quả trứng gà so và thêm nửa con gà; nếu đặt mua trên mười con gà được tặng một con gà và mười quả trứng gà so.

Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (xã Quất Ðộng, huyện Thường Tín) Nguyễn Thị Thư chia sẻ, livestream là hình thức quảng bá sản phẩm hiệu quả, tiếp cận hàng nghìn khách hàng trên mạng xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, bán hàng trực tiếp qua video càng có ý nghĩa hơn khi các chủ thể sản phẩm OCOP có cơ hội tiếp cận hàng nghìn người xem, mang những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, với mức giá phù hợp.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên nhiều nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng. Người sản xuất bị ảnh hưởng không nhỏ. Việc bán hàng livestream góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong quá trình livestream, người bán giới thiệu đến khách hàng về quy trình sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn, cũng như kể những câu chuyện về văn hóa kết tinh trong từng sản phẩm. Chương trình bán hàng được đông đảo chủ thể sản phẩm OCOP hưởng ứng, thu hút hàng nghìn lượt người xem. Ðể mở rộng bán hàng trên mạng xã hội, các chủ thể sản phẩm OCOP cần thành thạo công nghệ, tiếp tục nâng cao kỹ năng bán hàng, chụp ảnh, viết bài, trả lời trên mạng và nhất là giữ chữ tín với người tiêu dùng.

Ngọc Thanh