Lãi tỷ USD năm trước, ngân hàng vẫn thận trọng với chỉ tiêu 2024

Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao khiến bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm qua giảm tốc. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng top đầu năm qua vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận, trong đó có 4 nhà băng có vốn nhà nước là Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MB là ngân hàng tư nhân duy nhất đạt mức lợi nhuận tỷ USD (gần 25.000 tỷ đồng, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank).

5 ngân hàng lãi tỷ USD

Năm qua, và Techcombank rớt khỏi top ngân hàng lãi tỷ USD, trong khi các ngân hàng quốc doanh áp đảo so với nhóm tư nhân trên bảng xếp hạng lợi nhuận, nhờ vào xu hướng thận trọng trích lập dự phòng tín dụng trong các năm trước.

Quán quân lợi nhuận ngành vẫn là Vietcombank với mức lãi trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD), tăng 10%, con số cao nhất từ trước tới nay. Xếp sau là BIDV với mức lãi hơn 27.600 tỷ, tương đương hơn 1 tỷ USD..., tăng hơn 20% so với năm trước.

Năm qua, BIDV đứng thứ 2 toàn ngành ngân hàng về lợi nhuận, nhưng vẫn bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh, song nguồn thu từ hoạt động cốt lõi là tín dụng của hai "ông lớn" này năm qua đều không tăng trưởng đáng kể. Điển hình như trong năm 2023, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của Vietcombank chỉ tăng nhẹ 0,7% lên 53.621 tỷ đồng dù danh mục tín dụng mở rộng tới 10,6% so với cuối năm 2022, đạt 1,27 triệu tỷ đồng.

Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro giảm là yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 giảm 2,2% so với năm 2022.

Còn tại BIDV, bên cạnh việc giảm chi phí dự phòng, nguồn thu ngoài tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư là động lực giúp lợi nhuận cao hơn năm trước.

Trong nhóm "Big 4", VietinBank là nhà băng ít bị ảnh hưởng về tín dụng hơn. Đến cuối năm ngoái, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Lãnh đạo VietinBank cho biết, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm và duy trì tăng trưởng bền vững, nguồn thu ngoài lãi tăng tốt đã giúp nhà băng này đạt lợi nhuận 25.000 tỷ, tăng gần 20%. Đồng thời, VietinBank cũng là số ít nhà băng giảm được tỷ lệ nợ xấu so với đầu năm.

Ngân hàng còn lại trong "Big 4" là Agribank cũng đạt mức lợi nhuận xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tương đương mức trên 1 tỷ USD, vượt 5-6% kế hoạch đề ra. Theo lãnh đạo nhà băng này, đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank.

Như vậy, với kết quả kinh doanh trong năm qua, cả 4 ngân hàng có vốn Nhà nước đều giữ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 2 con số.

Tại nhóm tư nhân, MB đang dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế 26.300 tỷ đồng, tăng trưởng gần 16%. Năm qua, nhà băng này đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 28%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Một số ngân hàng cũng đạt lợi nhuận xấp xỉ tỷ USD là Techcombank và .

Tuy nhiên, sau gần thập kỷ tăng trưởng liên tiếp, Techcombank báo lãi giảm 10% trong năm 2023, do thu nhập tín dụng giảm trong khi phải tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng. Với mức lợi nhuận gần 22.900 tỷ, Techcombank nằm ngoài top 5 lợi nhuận cao nhất năm 2023, song vẫn duy trì được lợi nhuận xấp xỉ tỷ USD.

Ngược lại, năm qua, ACB lần đầu tiên đạt con số lợi nhuận 20.000 tỷ đồng, nhờ vào nguồn thu tín dụng tăng trưởng và khoản lãi đột biến hơn 2.600 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư. Đặc biệt trong quý IV, nhà băng này cũng tiết giảm chi phí hoạt động cả nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2022.

"Bỏ ngỏ" chỉ tiêu lợi nhuận

Mặc dù đạt lợi nhuận hơn tỷ USD năm 2023, song bước sang năm 2024, nhiều ngân hàng lại tỏ ra thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng.

Kết quả điều tra của ân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh. Do đó, các nhà băng vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch năm 2024, đồng thời bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

BIDV đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%..., còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn được bỏ ngỏ.

Vietcombank đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, lên hơn 44.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng, nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).

Trong khi đó, Vietinbank mới đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay như tổng tài sản tăng từ 5 - 10%; tín dụng tăng theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao khoảng hơn 14%. Huy động tăng trưởng phù hợp với tín dụng bảo đảm các chỉ số an toàn về thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 1,8%.

Năm nay, lãnh đạo MB nhấn mạnh tới 3 mục tiêu lớn là: lợi nhuận 30.000 tỷ đồng, sở hữu 30 triệu khách hàng và thuộc Top 3 chất lượng hiệu quả. Đồng thời, MB phấn đấu doanh thu tăng 20%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%; chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đồng cổ đông nhiệm kỳ 2024-2029…

Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chỉ ra loạt dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng sẽ khởi sắc, bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đi lên, biên lãi ròng (NIM) tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.

Các chuyên viên phân tích đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng cao vào quý IV/2023 có thể không được chuyển hóa ngay vào lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng, nhưng sẽ góp phần vào lợi nhuận của năm 2024.

Huyền Anh