Lái xe trên cabin ảo không dễ áp dụng vào thực tiễn

Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ôtô phải áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe. Học viên muốn có giấy phép lái xe sẽ tập lái mô phỏng trên cabin ảo với 3 giờ đồng hồ và trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau như: vận hành xe, lên đường dốc, đường vuông góc, đi trên đường cao tốc, đi trong đô thị, đi đường trơn trượt, bài sa hình…

Ảo thì… khó giống thật

Theo đó, mỗi bài sẽ xuất hiện những tình huống để học viên xử lý. Tuy nhiên, học trên cabin với nhiều học viên là chuyện không dễ dàng. Bởi ở từng bài học, cabin sẽ có âm thanh, độ rung, tiếng động đi kèm để mô phỏng giống ngoài đời thực. Chẳng hạn như đối với tình huống đường xóc, cabin ảo cũng lắc và kèm theo âm thanh tương tự dội bên tai người học. Còn đối với tình huống đường trơn trượt, cabin cũng lắc lên, lắc xuống khiến học viên như đang di chuyển trên đoạn đường trơn.

Đang đăng ký thi sát hạch lái xe ở một trung tâm tại Hà Nội, anh Nguyễn Thế Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết chắc ai ít tuổi, thành thạo máy tính, ưa chơi game thì sẽ thi tốt trên cabin ảo, còn những người lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ thì sẽ khó hơn. Anh Hiệp tuy là 34 tuổi nhưng cũng khá căng thẳng và thấy chóng mặt khi thi trên cabin.

“Có thể do cabin ảo có ba màn hình nối nhau nên người thi chưa quen hoặc do cabin phản ứng chậm hoặc nhanh hơn phản ứng của người học 2-3 giây nên dẫn đến chưa khớp trong xử lý tình huống”, anh Hiệp chia sẻ.

Thi trên cabin ảo được người học và một số trung tâm, cơ sở đào tạo đánh giá là chưa sát với thực tiễn.

Có thể thấy, việc đa dạng và ứng dụng các tình huống huống hay gặp khi lái xe ô tô trên cabin ảo có thể giúp người lái xe học cách xử lý khi lái xe thực tiễn. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm là chất lượng âm thanh, độ rung lắc của cabin ảo hơi quá đà, trong khi độ “nhạy” của cabin ảo chưa được như áp dụng trên các xe ô tô thật dẫn đến hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn không cao.

Lãnh đạo một Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ tại Hà Nội, cho biết mỗi cabin ảo gồm các linh kiện điện tử, phần mềm, phần cứng. Cabin ảo được thiết kế gần giống như một cabin thật giúp học viên có cảm giác như đang ngồi thực tế trên xe. Tuy nhiên trong quá trình học của các học viên cũng như trong quá trình đào tạo cho thấy, phần mềm của cabin xử lý tình huống nhanh hơn hoặc chậm hơn so với động tác của người học. Âm thanh và độ rung lắc của cabin ảo cũng được đánh giá là “hơi quá” so với ngoài đời. Điều này có thể do chất lượng cabin ảo chưa bảo đảm nên cần nâng cấp để nâng hiệu quả thực hành của người học.

“Vốn dĩ một thiết bị ảo khó có thể bằng lái xe ngoài đường thật, chất lượng cabin không tốt làm kéo giảm kỹ năng, kết quả của người học. Trong khi cabin ảo vẫn chưa có cơ chế giám sát, ngăn chặn tình trạng thực hành hộ nhằm gian lận kết quả đào tạo lái xe”, vị này cho biết.

Tránh cải cách ngược

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu người học lái ô tô nhưng chỉ khoảng 50% trong số đó vượt qua kỳ thi sát hạch. Việc siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được cho là nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông. Và ứng dụng thi trên cabin ảo cũng là nằm trong điều này bởi theo Bộ Giao thông Vận tải, phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe sẽ giúp học viên được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông.

Tuy nhiên, qua thực tiễn đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, cabin ảo thực tế chỉ có tính chất tham khảo, nó giống như chơi game hơn. Trong khi để nâng được kỹ năng và khả năng xử lý tình huống cho người học thì cần phải luyện tập nhiều trên sa hình, trên thực tế với các tình huống thật sự thì mới cho hiệu quả cao.

Thực tế ở nước ngoài đã có những nước áp dụng mô hình thi sát hạch, cấp bằng lái xe bằng cabin ảo nhưng cũng phải dừng vì không phù hợp, không mang lại hiệu quả, như tại Hàn Quốc. Trong khi công nghệ và chất lượng của cabin ảo của Hàn Quốc được đánh giá cao hơn, có khả năng xử lý tương đồng với thao tác của người học.

Do đó, nhiều chuyên gia và cán bộ của một số trung tâm đào tạo lái xe cho rằng, cần phải sửa lại các quy định, để làm sao phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao cho người học.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thực hành trên cabin ảo đang có nhiều bất cập, Bộ Giao thông Vận tải nên xây dựng lại chương trình đào tạo, có thể xây dựng các video xử lý tình huống giao thông mô phỏng để người học làm quen. Bên cạnh đó, việc học lý thuyết trong thi lái xe được cho là khá nặng và chưa phù hợp với điều kiện cả xã hội học online như hiện nay. Thay vào đó nên tăng thời lượng lái xe thực tế và giảm thi trên cabin ảo, giảm lý thuyết. “Chỉ nên quy định mỗi cơ sở đào tạo có 1 - 2 cabin ảo để làm dụng cụ giúp học viên được tiếp cận với các tình huống giao thông”, ông Bùi Hòa An, cho biết.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, Vĩnh Phúc cũng đã có đơn đề nghị bỏ nội dung học thực hành lái xe trên cabin điện tử. Bởi theo các đơn vị này, học cabin điện tử gây khó khăn cho công tác đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở đào tạo và không phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Chính vì vậy, các ngành chức năng cần xem xét một cách kỹ lưỡng về việc thi trên cabin ảo để tránh xảy ra tình trạng “cải cách” nhưng không đúng hướng. Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, điều quan trọng là ý thức, trách nhiệm của người lái xe. Chính vì vậy, can thiệp quá sâu vào hoạt động đào tạo và thi bằng lái xe không khéo lại dẫn tới tác dụng ngược khi không những không nâng cao được hiệu quả mà còn đi ngược với thời đại, gia tăng chi phí cho người học, cơ quan đào tạo.

Minh Nhương