Làng quê 'thay da đổi thịt', đời sống người dân nâng cao nhờ xây dựng nông thôn mới

Tại Đắk Nông, sau thời gian thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi. Hiện Đắk Nông có 7 huyện và 1 TP. Gia Nghĩa thực hiện xây dựng nông thôn mới.

TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 tại Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 18/4/2022. Đến nay, 36/60 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 36 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 60%; đạt từ 15 - 18 tiêu chí có 5 xã, chiếm 8,4%; đạt từ 10 - 14 tiêu chí có 19 xã, chiếm 31,6%... Đắk Nông có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hiện Đắk Nông có trên 100 thôn, bon, buôn, bản thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn áp dụng thực hiện theo Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới. Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó từng bước nâng cao được tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm cho người dân nông thôn trong việc áp dụng vào công tác phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Các địa phương tại Đắk Nông đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ảnh: Quang Yên.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phát triển kinh tế nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; lồng ghép hoạt động triển khai theo chức năng của ngành, lĩnh vực quản lý, gắn với các hoạt động của Chương trình.

Do đó đã tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, xây dựng một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 60 sản phẩm OCOP được công nhận của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận, trong đó: 7 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia.

Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp thay đổi bộ mặt nông thôn ở Đắk Nông mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Còn tại tỉnh ơn La thời gian qua đã tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới. Sau 12 năm triển khai, tỉnh Sơn La đã có tới 59/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã nông thôn mới nâng cao. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng, bức tranh cảnh quan nông thôn thay đổi, khang trang, sạch, đẹp. 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa.

Sơn La chú trọng xây dựng các bản làng về đích nông thôn mới. Khi các bản về đích, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân cải thiện đồng nghĩa tạo thành công chung cho cả địa phương.

Thu nhập của người nông dân ở Sơn La tăng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: CT

Tỉnh Sơn La phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 41 bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, tăng lên lần lượt là 84 bản nông thôn mới, và 42 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Sơn La đã ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn và chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại tỉnh Bình Thuận, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn dần cải thiện, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 72/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt hơn 77%; trong đó có 1 xã Trà Tân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 75 xã, trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu có 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Việc chú trọng xây dựng nông thôn mới tại Bình Thuận góp phần giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới và tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng cao.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

Thu Phương - Tuấn Minh