'Luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên vô cảm với nỗi đau cùng cực của đồng bào'

Tiếp tục phần tranh luận phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” sáng 21/7, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối đáp với bị cáo Phạm Trung Kiên và luật sư của bị cáo này. Bị cáo Kiên bị cáo buộc, trong thời gian làm Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng để trình xét duyệt các chuyến bay đưa công dân về nước.

Bị cáo Phạm Trung Kiên.

Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Kiên án tử hình về tội nhận hối lộ. Quá trình tranh luận, luật sư bào chữa của bị cáo Kiên cho rằng, 42,6 tỷ đồng mà bị cáo Kiên đã nhận hối lộ chưa chắc là số tiền lớn, vì đây là lợi nhuận của của 18 doanh nghiệp tổ chức các “chuyến bay giải cứu”.

Luật sư nêu quan điểm, bản chất 42,6 tỷ đồng mà bị cáo Kiên nhận là của 30.000 công dân Việt Nam, mỗi người bỏ ra từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng để được về nước nên chưa chắc con số này là lớn. Bởi mỗi người chỉ bỏ thêm tối đa thêm 2 triệu đồng để được về nước khi dịch COVID - 19 bùng phát.

Đối đáp với lời bào chữa của luật sư, đại diện Viện kiểm sát bức xúc: “Nói như luật sư là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm với nỗi đau cùng cực của đồng bào trong dịch bệnh, với mất mát của nhân loại toàn thế giới. Vì trong thời điểm dịch COVID - 19 bùng phát là nguyên nhân khiến 15 triệu người chết trên thế giới, con số này ở Việt Nam là hơn 43 vạn người”.

Theo đại diện Viện kiểm sát, trong khi cả hệ thống chính trị nước ta nhập cuộc, chung sức chống dịch như chống giặc, có những bữa cơm, những chuyến xe 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, các doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản vẫn đồng hành cùng thiện nguyện để chống dịch thì bị cáo Kiên lại tìm cách để ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới trình người có thẩm quyền cấp phép các chuyến bay.

Người Việt Nam ở nước ngoài thời điểm dịch COVID - 19 là cùng cực, và họ chắc chắn rằng, không muốn bị bỏ lại đất khách. Hành vi của Kiên và các bị cáo khác trục lợi trước sự cùng cực của công dân đang ở nước ngoài khi đó làm mất đi tính nhân đạo của những chuyến bay giải cứu, phản bội sự cố gắng của cả nước.

“Viện kiểm sát cho rằng, lời bào chữa của luật sư còn xúc phạm đến tất cả người Việt, những người đã trải qua một đại dịch thảm khốc đau thương. Để đảm bảo văn hóa tranh tụng, Viện kiểm sát không nói những lời nặng nề về quan điểm bào chữa của luật sư và để Hội đồng xét xử công tâm đánh giá”, đại diện Viện kiểm sát nêu ý kiến.

Về nội dung bào chữa thứ hai các luật sư cho rằng: “Bị cáo Kiên không có chức vụ, quyền hạn trong Bộ Y tế nên không thể ép buộc đưa hối lộ”. Khi đối đáp, đại diện Viện kiểm sát phân tích, bị cáo Kiên là Thư ký, giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế - người có vai trò trong việc cấp phép các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Nếu bị cáo Kiên không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, thực hiện công việc chậm khi có phê duyệt của Thứ trưởng, như khi Thứ trưởng ký thì Kiên cố tình giữ lại không đóng dấu, gửi văn bản sẽ khiến các doanh nghiệp thiệt hại.

“Các doanh nghiệp đều khai, bị cáo Kiên liên tục yêu cầu họ phải đưa tiền cho anh ta từ 150 - 200 triệu đồng một chuyến bay mới được cấp phép. Sau khi vụ án được phát hiện, bị cáo Kiên chuyển trả các doanh nghiệp 12 tỷ đồng, nhưng nội dung chuyển khoản đều thể hiện là “trả tiền vay”, nhưng thực chất thì đây là tiền nhận hối lộ”, đại diện Viện kiểm sát đối đáp.

Nguyễn Hưng