Mô hình phòng cháy, chữa cháy ở xã nông thôn mới

Chiếc xe chữa cháy của xã đặt tại ấp Bình Trung 2, chung với xe chuyển bệnh miễn phí của Hội Chữ thập đỏ. Dẫn chúng tôi đến tham quan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Thạnh Đông Lương Khánh Vân cho biết, cách 3 - 4 ngày, thành viên của đội chữa cháy đến khởi động máy, kiểm tra xung quanh.

Bồn chứa 3 khối nước luôn bơm đầy sẵn, ngoài ra còn có máy bơm nước trực tiếp trang bị sẵn trên xe để tiếp nước liên tục khi tham gia dập lửa. Trong vài phút, các thành viên của đội thao tác nhanh nhẹn, thử bơm nước tưới ra một góc vườn, quan sát mọi thứ vận hành trơn tru mới yên tâm thu gọn như cũ.

Xe PCCC xã Bình Thạnh Đông được vận động thực hiện khoảng 5 năm nay. Khi được UBND xã vận động chủ trương trang bị xe chữa cháy, ông Mai Minh Trường (doanh nghiệp trong xã) đã tặng chiếc xe tải cho địa phương. Chi phí để tân trang và lắp đặt thiết bị phù hợp khoảng 70 triệu đồng, nguồn từ xã hội hóa.

Đội chữa cháy thành lập có 14 người, với lực lượng nòng cốt là công an xã và một số tình nguyện viên thuộc Hội Chữ thập đỏ. Tất cả các thành viên đều thành thạo kỹ năng PCCC & CNCH, thường xuyên được tập huấn về chuyên môn. Mô hình này còn gắn kết tình cảm của người dân trong xã, được ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần đảm bảo PCCC từ cơ sở.

Xe chữa cháy của xã Bình Thạnh Đông

Ông Cao Minh Toản là tài xế, cũng là người tham gia sớm nhất từ khi có mô hình đến nay, cho biết, ụ cháy gần nhất xảy ra tháng 11/2023, trước đó còn có nhiều vụ trong và ngoài xã, đội chữa cháy điều xe đến dập lửa kịp thời. Khi chưa có chiếc xe này, xảy ra hỏa hoạn bà con tham gia dập lửa bằng xe gắn máy bơm nước lên.

Bây giờ, phương tiện đảm bảo, cộng với lực lượng tại chỗ nên việc phối hợp tham gia chữa cháy khá thuận lợi. Theo ông Toản, mùa nắng nóng đáng lưu ý nhất là thói quen đốt rơm của người dân, do vào mùa vụ thu hoạch. Ngoài ra, ở vùng nông thôn, nhiều hộ cất nhà sàn, thường tận dụng dưới sàn để chất củi, đặt rơm cạnh nhà… nguy cơ cháy rất cao.

Thiếu tá Phạm Tuấn Anh, Trưởng Công an xã Bình Thạnh Đông cho hay, bên cạnh xe chữa cháy, trên địa bàn xã còn có mô hình tổ liên gia PCCC được thành lập ở 7 ấp, mỗi tổ có 10 - 11 thành viên. Mô hình có tác động tích cực đến ý thức của người dân vì thiết thực, ứng dụng vào thực tế để người dân có đầy phương tiện, kỹ năng phối hợp, ứng biến khi có cháy xảy ra, tránh thiệt hại về người và tài sản...

Lực lượng công an tuyên truyền cho các thành viên trong tổ và Nhân dân, họ tiếp tục là những người tác động hàng xóm, láng giềng để tạo sức lan tỏa, nâng cao ý thức chủ động phòng, chống cháy, nổ nói riêng, đảm bảo an toàn, an ninh ở địa bàn dân cư nói chung.

Tổ liên gia được thành lập từ năm 2023, tập hợp những hộ liền kề nhau ở các ấp. Bình chữa cháy được vận động trang bị cho các hộ tham gia mô hình, đồng thời tiếp tục vận động để trang bị cho những hộ còn lại hoặc người dân tự mua. Đặc biệt, những hộ nghèo không có khả năng mua bình chữa cháy, Công an xã và chính quyền địa phương vận động trang bị mỗi hộ 1 bình, tổng cộng đến nay được khoảng 870 hộ.

Bà Hồ Thị Lan (ngụ ấp Bình Trung 2) cho biết, không riêng mùa nắng nóng, nhắc đến nguy cơ hỏa hoạn thì đáng lo nhất là việc sử dụng điện trong nhà. Đặc biệt, mùa này nhu cầu sử dụng điện của người dân khá cao, như: Điều hòa, quạt, tủ lạnh…

Một số người bất cẩn trong quá trình nấu nướng, sử dụng thiết bị điện quá tải cũng dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Do đó, ai cũng cần nêu cao cảnh giác. Tại địa phương, người dân thường xuyên được nghe các thông tin cảnh báo, giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và an toàn, chú ý các vật dụng dễ cháy…

“Gia đình tôi chuẩn bị trang bị thêm bình chữa cháy mini, không phải tính đến chuyện xui rủi mà thấy rất cần thiết. Khi có sự cố xảy ra, mình có thể giúp đỡ các hộ xung quanh nếu cần, tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc” - bà Lan cho biết.

Thiếu tá Phạm Tuấn Anh đánh giá, thời gian qua, các mô hình PCCC triển khai trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân an tâm trong đời sống, chính quyền địa phương ủng hộ. Mô hình xe chữa cháy được người dân đồng tình duy trì, tự nguyện đóng góp nhiên liệu, chi phí sửa chữa, bảo trì các thiết bị. Còn mô hình tổ liên gia PCCC phát huy tính chủ động, tương trợ lẫn nhau giữa các gia đình ở địa bàn dân cư, lấy người dân làm trung tâm để thực hiện công tác PCCC.

Trên hết là ý thức “phòng cháy hơn chữa cháy”, lực lượng công an xã thường xuyên kiểm tra trên địa bàn, phối hợp Ban Nhân dân các ấp đi rà soát những nơi có nguy cơ cháy để tuyên truyền. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh tăng cường thông tin nội dung cảnh báo 2 lần/ngày, nhất là thời điểm nắng nóng hiện nay, hạn chế tối đa sự cố cháy, nổ.

MỸ HẠNH