Một năm thành công thu hút FDI

Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút FDI toàn cầu

Thu hút FDI vào Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, 11 tháng năm 2023, tổng số vốn 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ môi trường đầu tư được giữ vững ổn định và hấp dẫn, cũng như việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với nhiều quốc gia kỳ vọng mở ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Việt Nam được các tổ chức đánh giá tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. Ảnh minh họa

Đầu năm 2023, hơn 200 doanh nghiệp Hà Lan đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh thông qua 30 hội thảo xúc tiến đầu tư. Trung tuần tháng 6, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam, hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, LG, SK, Hyundai Motor, …đã tiếp cận thị trường. Sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam vào ngày 10/9 với đoàn doanh nghiệp công nghệ tháp tùng có thương hiệu nổi tiếng, đầy tiềm lực tài chính như Intel, Marvell… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital Don Lam cho biết, trong số trên 150 nhà đầu tư đến tham dự Hội nghị Nhà đầu tư 2023 tại Hồ Chí Minh, lượng khách tham dự tăng mạnh cho thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Việt Nam hiện được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược. Trong đó có mục tiêu tổng quát là thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư FDI.

Không chỉ các chuyên gia, mà những định chế quốc tế hàng đầu cũng bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng thu hút FDI của Việt Nam. Theo đánh giá của HSBC, bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2023, công bố hồi tháng 4, ỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét: “Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á, với nhiều lợi thế, bao gồm lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá cả cạnh tranh, chính trị ổn định, và môi trường pháp lý minh bạch”.

Trong khi đó, ân hàng Thế giới (WB) nhận xét: “Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp nước ngoài".

Điểm đến của hầu hết “đại bàng”

Trong làn sóng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây, có rất nhiều “đại bàng” đến lót ổ, như Toyota, Honda, Canon, Panasonic, Sony, (Nhật Bản); Samsung, LG, Lotte, Hyundai, Daewoo (Hàn Quốc); Singtel, Sembcorp, Ascendas, Frasers Property (Singapore); Huawei, Xiaomi, Alibaba, Tencent (Trung Quốc); , Formosa, Pegatron (Đài Loan). Walmart, Starbucks, McDonald's, với chuỗi siêu thị, cửa hàng cà phê và cửa hàng thức ăn nhanh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước; Cargill, Archer Daniels Midland, với nhiều dự án nông nghiệp, thủy sản…

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, cung cấp linh kiện cho các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, MacBook... hiện có 6 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,3 tỷ USD. Hay Pegatron, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn thứ hai thế giới, cung cấp linh kiện cho các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad... Mới đây, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của Công ty Inventec Technology Việt Nam (Đài Loan-Trung Quốc), chuyên sản xuất điện thoại thông minh, máy chủ, thiết bị ngoại vi, bảng mạch điện tử… với tổng mức đầu tư 125 triệu USD.

Đã xuất hiện một số động thái, chỉ dấu cho thấy hoạt động FDI sẽ trở nên sôi động, gia tăng về lượng và đặc biệt là có sự cải thiện mạnh mẽ về chất trong thời gian tới.

Tập đoàn AEON cũng xác định, Việt Nam là thị trường tiềm năng trọng điểm với tốc độ phát triển nhanh; Apple đã lên kế hoạch mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Trung tâm này sẽ tập trung các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), và thiết kế phần mềm. Trung tâm R&D của Apple dự kiến đặt tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, sẽ tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên trong 5 năm tới; Google cũng đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Công ty đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng một trung tâm dữ liệu mới, dự kiến đặt tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh.

Qua khảo sát sơ bộ, nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến câu chuyện chuyển đổi xanh và tiềm năng của lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam, đặc biệt là ngành bán dẫn, chip. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam hút thêm dòng vốn trung dài hạn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Theo thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, các lợi thế như Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Không chỉ vốn FDI đăng ký, lượng vốn được giải ngân liện tục tăng, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Số liệu của Tổng Cục Thống kê, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới. Trong khi các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024.

Tại hội nghị với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chia sẻ thông điệp rất rõ ràng, đó là tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư. Tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách của chính phủ, đó chính là động lực cơ bản nhất để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Thảo Nguyên