'Người cũ' KIDO lại 'nổi sóng' trên thị trường bánh kẹo

Thị trường bánh Trung thu năm nay đón nhận thêm một “tân binh mới” là KIDO – mới nhưng thực ra là cũ – bởi trước đó KIDO đã chuyển nhượng thương hiệu Kinh Đô cho Mondelēz với trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng vào năm 2014. Tập đoàn KIDO cho biết chính thức tái xuất ngành bánh Trung Thu với thương hiệu KIDO’s Bakery, dự kiến sản lượng bánh ra mắt trong mùa Trung thu năm 2022 là 300 tấn.

Cạnh tranh bằng giá là xưa rồi!

Trở lại thị trường bánh kẹo, KIDO cho biết tập trung đẩy mạnh các sản phẩm bánh tươi, do có biên độ lợi nhuận cao hơn bánh khô, mức độ cạnh tranh trên thị trường chưa gay gắt do chưa có nhiều doanh nghiệp có được sự am hiểu thị trường, kỹ thuật bảo quản. Thêm vào đó, các sản phẩm nhập ngoại khó cạnh tranh do bánh tươi không thể lưu kho dài ngày.

KIDO quay trở lại thị trường bánh Trung Thu.

Nói về sự trở lại lần này, ông Trần Lệ Nguyên, CEO KIDO, chia sẻ quay lại thị trường bánh là niềm đam mê và ông tự tin với kinh nghiệm là đầu bếp số 1 - bản thân sẽ hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Đơn cử như dòng bánh Trung thu, sản phẩm truyền thống trước đây như nhân đậu xanh, thập cẩm, hạt sen… đã quá lỗi thời. Ngày nay, người tiêu dùng còn hướng tới các sản phẩm cao cấp, làm quà biếu tặng, hay nói cách khác là có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây.

“Để cạnh tranh trên thị trường thì doanh nghiệp cần phải chú trọng tới khẩu vị, chất lượng, mẫu mã, bao bì. Làm sản phẩm có giá rẻ hơn mặt bằng giá trên thị trường để cạnh tranh là xưa rồi, nay đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao”, ông Nguyên chia sẻ.

Ông Nguyên cũng thừa nhận trước đây khi gắn bó với ngành bánh kẹo, có khi làm 10 mặt hàng chỉ một số bán chạy, còn lại không có hiệu quả cao. Do vậy, sự trở lại lần này của KIDO xác định sẽ không phát triển quá nhiều sản phẩm theo kiểu “không làm thì tiếc, làm thì không hiệu quả” mà sẽ tập trung vào các dòng bánh có nhiều giá trị, chất lượng tiện lợi và có thể đem đi xa được.

Việc thay đổi chiến lược của KIDO sẽ diễn ra từng tuần, từng tháng và chỉ có chất lượng sản phẩm, mục tiêu phục vụ sức khỏe cho người tiêu dùng không đổi. Nói không với việc doanh nghiệp tồn kho sản phẩm, trong khi người tiêu dùng không nhìn thấy được sản phẩm mới để đến với mình.

“Thời điểm này, KIDO có 450 ngàn điểm bán, có doanh số mấy ngàn tỷ nhưng vẫn chưa khẳng định sẽ vượt trội so với đối thủ nếu sản phẩm không đa dạng”, ông Nguyên chia sẻ chất lượng là yếu tố không bao giờ được thay đổi, từ đam mê làm sản phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước sẽ hướng tới đưa sản phẩm ra thế giới”, vị CEO chia sẻ.

Có thể thấy, đối với ông Trần Lệ Nguyên sự trở về mảng bánh kẹo cũng giống như trở về nhà, được gặp lại những đối tác, bạn hàng cũ. Và, chắc chắn chính đối tác Mondelēz sẽ là một trong những đối thủ đáng gờm của KIDO.

Sự trở lại của KIDO mạnh mẽ hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, người tiêu dùng cũng “mạnh tay” chi tiêu hơn với các dòng sản phẩm bánh kẹo. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ KIDO mà năm nay một tên tuổi khác là doanh nghiệp bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cũng đẩy mạnh phát triển phân khúc bánh Trung thu.

Bánh kẹo nội trỗi dậy

Ông Cao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery chia sẻ, năm ngoái doanh nghiệp này ngưng hoàn toàn, năm nay tái khởi động thấy thị trường rất tốt, khách hàng quan tâm nhiều đến bánh Trung thu.

"Năm nay, chúng tôi có 2 sản phẩm mới hoàn toàn là bánh Trung thu hoa đậu biếc nhân phô-mai và bánh Trung thu thanh long với mong muốn tiêu thụ nhiều hơn và nâng tầm cho nông sản Việt. Dự kiến 2 dòng sản phẩm này sẽ chiếm khoảng 20% sản lượng bánh Trung thu của ABC Bakery và các chuỗi bánh mà chúng tôi tư vấn. Do kinh tế vừa phục hồi, chúng tôi nỗ lực kiềm giá để giữ thị trường với mức tăng 5-10% so với những năm trước nhằm bù đắp chi phí đầu vào", ông Lực cho hay về chiến lược của ABC Bakery trong mùa bánh Trung Thu năm nay.

Thực tế cũng cho thấy, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bánh kẹo nội địa cũng đang khởi sắc trở lại sau đại dịch COVID-19. Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị, doanh thu bán hàng quý II/2022 đạt 335 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng (tăng 22,2%) so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng 2022 đạt 743,8 tỷ đồng, tăng 83 tỷ đồng (tương đương 12,5%) so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu của Hữu Nghị đạt 27,5 tỷ đồng, tăng 9,8 tỷ đồng, tương đương mức tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà cho thấy quý II/2022, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần hơn 302 tỷ đồng, tăng 91% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hải Hà ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hơn 15,7 tỷ đồng, gấp gần 79 lần cùng kỳ.

Sự tăng trưởng của các doanh nghiệp bánh kẹo nội địa một mặt cho thấy sức hấp dẫn ở thị trường luôn được đánh giá là tiềm năng và béo bở này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng cho sự cạnh tranh với những “đại gia” ngoại có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Do vậy, nếu không tìm được hướng đi riêng thì rất khó cạnh tranh.

Quay trở lại câu chuyện về mảng bánh kẹo của KIDO, khi làm bánh Trung Thu, ông Nguyên cũng chia sẻ nhìn nhận trên xu hướng người tiêu dùng ưa chuộng với sản phẩm ít ngọt, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ truyền thông sản phẩm ít đường. Bởi như vậy người dùng sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm chỉ dành cho người bị bệnh tiểu đường mà họ đâu có bị tiểu đường. Điều này càng cho thấy, việc chinh phục người dùng trong bối cảnh hiện nay chưa bao giờ là dễ dàng.

Nhật Linh