Nhà báo Lê Quốc Minh làm 'host' tọa đàm 'Báo chí trong kỷ nguyên số: Thời cơ và thách thức'

Cuộc tọa đàm “Báo chí trong kỷ nguyên số: Thời cơ và thách thức" diễn ra tại Hà Nội ngày 14/6/2024, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 5 năm Câu lạc bộ Cafe Số (Hội Truyền thông Số Việt Nam). Tại sự kiện, nhà báo ê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân trong vai trò diễn giả chính, dẫn dắt cuộc trao đổi về các nội dung liên quan đến chủ đề này.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân trong vai trò diễn giả chính, dẫn dắt cuộc tọa đàm “Báo chí trong kỷ nguyên số: Thời cơ và thách thức”. Ảnh: viettimes.vn

Làm hay hơn, tốt hơn, chuyên nghiệp hơn mạng xã hội - là điều báo chí cần hướng tới

Trả lời câu hỏi nếu không thể cạnh tranh được với mạng xã hội, báo chí xác định tâm thế như thế nào? - nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: báo chí chính thống đang chuyển mình khá chậm, trong thời gian dài, báo chí chính thống có sự tự tin, chủ quan không ai sánh được với mình. Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quốc Minh, thời thế đã thay đổi, với sự xuất hiện của intenet, người dân tha hồ "ngụp lặn" trong "biển" thông tin, và đã có tình trạng người dân cảm thấy không cần nhất thiết phải đến với báo chí để có được thông tin.

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho rằng, xu thế chiếm lĩnh của mạng xã hội là có thật, báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo, đi trước mạng xã hội là đòi hỏi không thực tế. Báo chí chính thống không thể và không nên chạy theo mạng xã hội.

Hiện Việt Nam có gần 1.000 cơ quan báo chí, tạp chí, tổng số người làm báo hiện khoảng 40.000-45.000 người, trong đó có 25.000 người có thẻ nhà báo. Trong khi, Việt Nam có 100 triệu dân, chưa kể số người Việt ở nước ngoài. Cùng với đó, một thực tế là mỗi người cầm trên tay chiếc smartphone là cũng sẵn sàng trở thành một cơ quan báo chí. Rõ ràng, số lượng người làm báo chỉ như giọt nước trong biển người có thể cung cấp thông tin, báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quốc Minh, nếu đặt tiêu chí về việc cân bằng, đa nguồn, khách quan thì các tổ chức khác không bao giờ cạnh tranh được với báo chí. Lấy sở trường của mạng xã hội để cạnh tranh với sở đoản của báo chí thì không thể cạnh tranh được, làm hay hơn họ, tốt hơn họ, chuyên nghiệp hơn họ là điều báo chí cần hướng tới.

Báo chí cần tận dụng triệt để công nghệ

Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh, mạng xã hội và báo chí là hai lĩnh vực tách rời. Báo chí không nên so sánh mình với mạng xã hội mà cần có chiến lược truyền thông xã hội phù hợp. Trong bối cảnh tin tức tự tìm đến người đọc thay cho người đọc thụ động tìm thông tin trên báo chí như trước đây, thì công nghệ có vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin, "công nghệ đang là vua, nội dung là nữ hoàng".

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, nội dung hay là điều luôn cần nhưng để đưa nội dung đến độc giả thì cần phải có công nghệ. Điều mỗi cơ quan báo chí cần, là làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt, tạo bản sắc riêng cho mỗi cơ quan báo chí. Báo chí cần tận dụng triệt để công nghệ để xây dựng chiến lược truyền thống mạng xã hội hiệu quả, phân phối thông tin trúng đích.

Cũng tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi: "Báo chí không muốn bị giới hạn phạm vi hoạt động, không muốn "trói chân" thì nên hành xử như thế nào?" - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nêu rõ: Các cơ quan báo chí phải tuân thủ tôn chỉ mục đích được quy định tại giấy phép báo chí.

"Khi chứng minh được sự ra đời của mình là có ích cho xã hội thì chúng ta được làm bất cứ vấn đề gì có ích cho xã hội. Nhưng phải sòng phẳng với nhau rằng việc đó thực tế muốn làm cho xã hội tốt lên, hay muốn chỉ làm lợi cho tờ báo và cá nhân mình? Nếu đấu tranh cho xã hội thì không ai cấm, nhưng nếu chỉ đấu tranh để tạo nguồn thu cho tờ báo, hay tệ hơn là tạo nguồn thu cho cá nhân là câu chuyện khác".

Đồng tình với quan điểm báo chí nên đi theo con đường, định hướng đã lựa chọn và cần tận dụng triệt để công nghệ, nhà báo Lê Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cũng cho rằng: "Cần tận dụng công nghệ để đổi mới chính mình, hướng tới chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình và không cần phải so sánh với bên nào".

Theo ông Lê Nghiêm, sứ mệnh của báo chí khác hẳn với mạng xã hội. Báo chí cần tuyên truyền có hệ thống, tham gia xây dựng chính sách và chủ trương mới, phản biện, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực có chiều sâu, tìm kiếm sự thật và đưa sự thật đến bạn đọc. “Đây đều là những điều mà mạng xã hội không làm được. Nhưng chúng ta cần chiến lược truyền thông mạng xã hội để đưa những điều đó đến với bạn đọc nhanh hơn".

Nhà báo Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Cafe Số.

Sau 5 năm xây dựng và phát triển, Câu lạc bộ Cafe Số (Hội Truyền thông Số Việt Nam) đã trở thành diễn đàn của nhiều chuyên gia hàng đầu với người dân thông qua các nhà báo, là nơi thúc giục các nhà báo đổi mới và trưởng thành, góp phần mang lại lợi ích cho xã hội. Đến nay, Câu lạc bộ Cafe Số đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và sự tham gia của hàng trăm nhà báo, góp phần đưa Câu lạc bộ phát triển.

Nhà báo Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Cafe Số khẳng định, mục đích lớn nhất của Câu lạc bộ Cafe Số là tạo ra diễn đàn cầu nối giữa các nhà báo với nhân dân, giữa các nhà hoạch định chính sách với nhà báo. Qua đó, các nhà báo có thể mang những hiểu biết từ các cuộc gặp gỡ tiếp xúc tại Câu lạc bộ để triển khai thành những bài viết cung cấp thông tin tới nhân dân. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn là nơi trau dồi nghiệp vụ, trao đổi kỹ năng của các nhà báo, bồi dưỡng kiến thức truyền thông cho các thành viên Câu lạc bộ.

Các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Cafe Số đều gắn với những vấn đề thời sự nóng, được dư luận xã hội quan tâm. Đề tài được lựa chọn trong mỗi buổi sinh hoạt đa dạng, phong phú, từ các vấn đề truyền thông số, công nghệ thông tin, phát triển kinh tế, chính sách, cải cách thể chế, giáo dục,…

Trong 5 năm qua, Câu lạc bộ Cafe Số đã tổ chức 60 - 70 buổi sinh hoạt chuyên đề, có những vấn đề phức tạp được đặt ra nhưng thông qua diễn đàn đã tìm ra cách giải quyết hài hòa giữa các bên, đem lại thông tin hữu ích cho các thành viên tham gia.

Trần Vũ