Nhận diện rõ thực trạng tổng cầu để thúc đẩy tiêu dùng

Toàn cảnh Tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ngày 11/7 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức tọa đàm kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.

Tọa đàm nằm trong chuỗi các cuộc họp tham vấn ý kiến được tổ chức nhằm nắm bắt các ý kiến đánh gia đa chiều, làm căn cứ để Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, xây dựng Báo cáo Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến khá phức tạp.

Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của đại dịch COVID-19 thời điểm đó. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 6 tháng năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm.

Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước trong 6 tháng năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022.

Cũng ở giai đoạn này, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại đạt 12,25 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%. Lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến sự sụt giảm 25,6% - mức lớn nhất trong các thị trường chính.

Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng của năm 2023, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.

"Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022", ông Nguyễn Thành Hiếu kết luận. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 đang trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường và khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Cũng tại tọa đàm, ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường trên hành trình của năm 2023 với sự kiên cường trước rất nhiều khó khăn và thách thức của cả bối cảnh quốc tế và trong nước. Kết quả 6 tháng năm 2023, dù chưa được như kỳ vọng, chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng trước các diễn biến phức tạp và khó lường hơn dự liệu, trên bình diện tổng thể, Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực châu Á và thế giới.

Nửa cuối năm 2023, dù đã có những điểm sáng xuất hiện, nhưng trên bình diện quốc tế vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, mức độ tổn thương cao. Xét trên bình diện trong nước, mặc dù với tinh thần quyết tâm cao, nhưng nội tại nền kinh tế đã bộc lộ nhiều điểm yếu, cả trong việc quản lý, điều hành và năng lực ứng phó, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì thế, theo ông Chử Văn Lâm, điều này cần có sự theo sát, nhận định sớm các yếu tố liên quan để chuẩn bị các giải pháp đồng bộ, tổng thể và toàn diện nhằm giảm thiểu các tác động không mong muốn đến nền kinh tế và hoạt động của các ngành, các khu vực doanh nghiệp.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước và dân cư gồm có đầu tư và xuất khẩu. Tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước và dân cư được phản ánh qua hai chỉ tiêu. Chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng được tính toán qua phương pháp sử dụng GDP (cụ thể là người dân và Chính phủ chi tiêu bao nhiêu và đóng góp vào GDP bao nhiêu...).

Trong khi đó, bức tranh tổng mức bán lẻ cũng phản ánh nhưng bức tranh tiêu dùng cuối cùng và tổng mức bán lẻ chênh lệch khá xa. Đây cũng là điều đáng để băn khoăn và đặt ra câu hỏi: Cần làm gì để đánh giá đúng thực trạng của GDP Việt Nam?

Ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, con số tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2023 tăng 2,63% mức tăng thấp hơn so tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2021 là 3,56%, năm 2022 là 6,6%. Những con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh và đây là gợi ý cho việc cần có chính sách kích thích.

Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình hay nói cách khác là gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu, ông Lâm nhấn mạnh.

"Số thống kê tổng mức bán lẻ là tăng 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá còn 8,4%, trong khi con số thống kê tiêu dùng cuối cùng chỉ 2,63% nên sắp tới cần đánh giá đúng thực trạng về bức tranh tổng cầu trong nước", ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN