Nhiều kênh xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tham quan phòng trưng bày thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố (ITPC) phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Liên đoàn công nghiệp và thương mại Hoa Sing (SCCCI) tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, kinh doanh và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Singapore.

Sự kiện thu hút khoảng 70 doanh nghiệp thành phố hoạt động trong các ngành nghề sản xuất công nghiệp, điện tử, công nghệ thông tin, nông sản thực phẩm, dệt may, ngân hàng, tài chính, bất động sản, logistics, dược phẩm… đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Singapore là quốc gia đứng thứ hai trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 72 tỷ USD. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore cũng đang là một trong những quốc gia có tổng vốn đầu tư FDI lớn nhất trong số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1.677 dự án đã triển khai, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 14 tỷ USD.

Kêu gọi các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào thành phố, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố cho biết, đầu tư tại thành phố, các doanh nghiệp không chỉ có cơ hội tiếp cận lượng khách hàng, là 10 triệu dân đang sinh sống tại thành phố mà còn bao gồm cả bảy tỉnh lân cận. Thành phố cũng là đầu cầu tiếp cận cộng đồng ASEAN 500 triệu dân, địa phương này cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư và kinh doanh với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Cao Thị Phi Vân nhấn mạnh: Thành phố luôn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Một trong những thuận lợi lớn nhất của thành phố là nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với hơn 4,6 triệu lao động. Đây là điều kiện đủ để hỗ trợ thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam.

Đánh giá cao môi trường đầu tư ở thành phố, theo Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing Kho Choon Keng: Những năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một thị trường hấp dẫn được các công ty Singapore quan tâm. Nhiều công ty Singapore đặt văn phòng đại diện hoặc đang tích cực tìm kiếm các cơ hội trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, vận tải, hậu cần, giáo dục, du lịch, tài chính và nông nghiệp.

Để làm cầu nối mở rộng vào thị trường khu vực Mỹ Latin, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố cùng Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam tổ chức chương trình hợp tác thương mại Việt Nam-Mexico. Nhận định các nhà kinh tế cho rằng, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng và phát triển, nhất là từ khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và có hiệu lực kể từ đầu năm 2019, hiện Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.

Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Mexico đạt hơn 364 triệu USD. Trong đó, thành phố xuất khẩu sang Mexico hơn 300 triệu USD, tăng 6% so với năm 2021.

Từ năm 1988 đến năm 2022, Mexico chỉ có hai dự án đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn hơn 63 nghìn USD, đứng 94/117 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố. Tuy còn khá khiêm tốn, nhưng tiềm năng hợp tác còn nhiều. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác, kết nối cung-cầu, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Mexico tại Việt Nam Alejandro Negrin Munoz cho biết: Mexico là thị trường chính cho hàng hóa của Việt Nam, đồng thời cũng là nước mua hàng hóa của Việt Nam nhiều nhất tại khu vực Mỹ Latin. Tuy thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Mexico đã tăng trưởng nhiều trong thời gian qua, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên, do đó, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp hai bên còn rất lớn.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc đầu tư trực tiếp tại Mexico, các doanh nghiệp thành phố nên "thay đổi tư duy theo hướng dây chuyền cung ứng toàn cầu". Thay vì dồn nhiều nguồn lực đầu tư trực tiếp, các doanh nghiệp có thể tìm đối tác là các doanh nghiệp Mexico để thực hiện liên doanh, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho các thị trường khó tính.

Với lợi thế đều là thành viên Hiệp định CPTPP, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế từ khi CPTPP có hiệu lực, và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế kể từ năm thứ 10. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp thành phố đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thủy sản, cà-phê, cao-su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô-tô vào thị trường Mexico.