Nhức nhối nạn taxi dù ở Nghệ An: Nhà nước thất thu, hành khách chịu thiệt

Nhà nước thất thu

Liên quan đến bài viết "Nghệ An: Nhức nhối taxi dù, công khai bán app cho tài xế", PV Báo Giao thông đã cuộc trao đổi với đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An cũng như các hãng taxi chính thống đã và đang hoạt động trên địa phương này.

Taxi dù tràn lan ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Bùi Đức Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An cho biết: Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, đông dân cư, có nhiều loại hình dịch vụ. Trong đó lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe taxi là một trong những loại hình kinh doanh phù hợp với văn hóa, con người và sơ đồ giao thông.

Các đơn vị kinh doanh taxi đã góp phần rất lớn vào việc vận chuyển lưu thông khách hàng giữa các huyện thị với TP Vinh và ngược lại. Đặc biệt phục vụ du khách thập phương đến với các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo thống kê từ Sở GTVT Nghệ An, năm 2019 (trước dịch Covid 19), tại Nghệ An có hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh taxi, với số lượng lên đến 1.972 phương tiện, hoạt động rất quy củ, bài bản.

Sau 2 năm dịch bệnh, đến nay hiện chỉ còn hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi, với tổng số phương tiện là hơn 1.313 xe. Trong khi đó, cùng thời gian trên, lượng xe ô tô đăng ký mới và hoạt động ở địa phương này liên tục tăng từ 100.000 lên 133.000 xe, chứng tỏ có rất nhiều phương tiện đã không đăng ký kinh doanh vận tải.

"Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, thì sự xuất hiện của taxi dù cũng là nguyên nhân khiến số lượng xe taxi chính hãng sụt giảm", ông Thắng nói và cho biết thêm: Các doanh nghiệp taxi làm kinh doanh chân chính đã chấp hành đóng thuế đầy đủ đúng quy định góp một phần không nhỏ cho thu ngân sách tỉnh nhà. Trong khi đó, taxi dù là loại hình kinh doanh trái pháp luật, không phải chịu bất kỳ sự quản lý của cơ quan nào, không phải đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào. Điều này gây thất thu cho nhà nước.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Đạt - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An cho biết thêm: Trong số khoảng 600 xe taxi của các công ty dừng hoạt động sau dịch, rất nhiều xe sau đó chuyển sang chạy dù. Ngoài ra, ở Nghệ An có hàng nghìn xe taxi dù hoạt động dưới các hình thức khác nhau.

Theo quy định hiện hành, mỗi tháng doanh nghiệp phải đóng các loại thuế cho nhà nước, chiếm từ 10 – 13% tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu phí đường bộ cao hơn xe gia đình; hay một số phí khác như phí định vị, phí kiểm định đồng hồ… Trong khi đó, taxi dù hoạt động, nhà nước không thu được một đồng tiền thuế nào, số tiền bất lợi đó lại chảy vào túi của một số cá nhân. Thực tế này tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng. Doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật thì chịu thua thiệt.

Taxi dù không chỉ khiến Nhà nước thất thu mà quyền lợi của hành khách cũng không được đảm bảo.

Quyền lợi của hành khách không được đảm bảo

Cũng theo ông Thắng và ông Đạt, các đơn vị kinh doanh taxi luôn thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của nhà nước như: Niêm yết giá công khai, giá đúng quy định khai đã đăng ký với cơ quan nhà nước; lái xe luôn được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng theo đúng quy định tiêu chuẩn của lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe taxi; được khám sức khỏe định kỳ theo quy định đảm bảo 100% lái xe đủ điều kiện kinh doanh (không mắc các bệnh xã hội...).

100% phương tiện được cấp phù hiệu của Sở GTVT Nghệ An, chất lượng xe, niên hạn xe đúng quy định của nhà nước; xe được kiểm tra, lau dọn hàng ngày trước khi ra kinh doanh theo đúng quy định.

Trong khi đó, các loại hình kinh doanh vận tải taxi trái pháp luật tràn lan trên khắp địa bàn tỉnh Nghệ An với đủ loại hình, loại xe. Chính vì không bị bất kỳ cơ quan nào quản lý chất lượng xe, lái xe nên các chủ phương tiện này chủ yếu đầu tư mua xe đã hết niên hạn sử dụng kinh doanh theo quy định của nhà nước, chi phí đầu tư thấp (có những xe giá chỉ vài chục triệu đồng) công suất khai thác tối đa.

Theo tìm hiểu của PV, đối với xe kinh doanh vận tải taxi, Nghệ An chỉ cho phép sử dụng xe có niên hạn không quá 12 năm. Thế nhưng, từ ghi nhận thực tế và tìm hiểu, hiện nay ở Nghệ An có nhiều dòng xe 7 chỗ không đăng ký kinh doanh vận tải, đang được người dân sử dụng để chạy trá hình taxi được sản xuất từ những năm 2000 - 2006, tuổi đời phương tiện từ 15 đến hơn 20 năm. Điều này là trái quy định và không còn đảm bảo an toàn khi chở người chạy đường dài, nhất là với kinh doanh dịch vụ chuyên tuyến như: tuyến cố định hoặc xe taxi.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp kinh doanh taxi, các phương tiện hoạt động đều được mua bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm trách nhiệm cho hành khách. Vì vậy, nếu trường hợp không may có rủi ro, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.

Qua tìm hiểu, được biết, đã có trường hợp không may, xe của công ty taxi gặp tai nạn, hành khách bị gãy 2 chân. Công ty này sau đó đã đền bù cho khách hàng số tiền lên đến 150 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An cho biết thêm: Taxi dù nói là giá rẻ nhưng đó là với khách quen, người trong tỉnh. Còn với du khách thập phương khi đến Nghệ An, không ai khẳng định được tài xế đó có lấy đúng giá, hay lại chặt chém, lừa dối khách hàng. Câu chuyện này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải mà còn cả hình ảnh của tỉnh nhà.

Ngoài ra, với taxi chính hãng, hành khách có quên đồ đạc trên xe thì có số tổng đài, hoặc thông qua đơn vị quản lý nhà nước, lực lượng chức năng (Sở GTVT, CSGT) mà lấy lại đồ đạc. Dữ liệu giám sát hành trình được chuyển trực tiếp về Sở GTVT, Cục Đường bộ VN để cán bộ có thể giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý và chấn chỉnh, ngăn được những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Thậm chí, thiết bị giám sát hành trình còn là công cụ phục vụ đắc lực hỗ trợ công an trong điều tra các vụ án…

Ở Nghệ An còn có tình trạng bán app cho tài xế chạy dù, điển hình như Maxim.

Nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, ngành chức năng

Theo ông Bùi Đức Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An: Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An đã nhiều lần có các văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh về thực trạng taxi dù và các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trái pháp luật.

Đồng thời kêu gọi các đơn vị kinh doanh taxi tiếp tục thực hiện đầy đủ đúng quy định của nhà nước qua quản lý điều hành kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng, nhân viên và lợi ích doanh nghiệp cũng như xã hội được lâu dài.

Được biết, lần gần đây nhất là ngày 17/3, Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An đã có công văn số 05/VP-HHVT về việc "Đề nghị xử lý, chấn chỉnh hoạt động của xe dù, xe kinh doanh vận tải khách trái phép trên địa bàn Nghệ An" gửi UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT, Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh Nghệ An...

Ngày 8/5, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 3465/UBND-CN về việc "Tăng cường chấn chỉnh công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh" gửi Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở Thông tin truyền thông, UBND các huyện, thành, thị.

Công văn của tỉnh Nghệ An đã giao rất rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và địa phương. Thế nhưng, sau 3 tháng, đến nay tình trạng taxi dù ở địa phương này vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong khi đó, các lực lượng chức năng gần như chưa có động thái nào đáng kể nhằm chấn chỉnh tình trạng này triệt để.

“Nếu để tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh taxi sẽ phải phá sản. Cùng với đó, số lượng taxi dù càng gia tăng, nhà nước sẽ thất thu một khoản thu rất lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn thảm khốc do xe không đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định…

Hiệp hội Vận tải ô tô Nghệ An thực sự mong muốn toàn thể xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm taxi dù, taxi trá hình trái pháp luật. Từ đó, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi và đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông”, ông Thắng nói.

Trước đó, Báo Giao thông có bài viết “Nghệ An: Nhức nhối taxi dù, công khai bán app cho tài xế”, phản ánh thực trạng xe gia đình không đăng ký kinh doanh, không có lô gô công ty… nhưng vẫn dán mào taxi để chạy dù. Thực trạng này diễn ra công khai, tràn lan ở hầu hết các địa phương của tỉnh Nghệ An. Ngoài loại hình trên, còn có nhiều xe lên mạng xã hội để rao đón khách. Đặc biệt, ở Nghệ An có cả trường hợp bán app để phục vụ chạy dù taxi công nghệ, điển hình như Maxim. Dù cơ quan chức năng đã biết đó nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

https://atgt.baogiaothong.vn/nghe-an-nhu...

Sỹ HoàVăn Thanh -