Những 'cây cao bóng cả'

Với tinh thần “Tuổi già nhưng chí không già”, dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhiều người cao tuổi của tỉnh vẫn nỗ lực vươn lên làm giàu và tích cực tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ người yếu thế trên địa bàn vượt qua khó khăn.

Vượt khó làm giàu

Chúng tôi tìm đến rẫy của ông Nguyễn Xuân Nam - Chi hội Người cao tuổi thôn Cẩm Sơn (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh). Ở tuổi 65, ông Nam trông khỏe khoắn với khuôn mặt chữ điền rắn rỏi. Khi chúng tôi đến, ông đang cuốc đất, làm cỏ những gốc cây cau lùn tứ quý - giống cây mới được ông đưa vào trồng trong rẫy. Trên mảnh đất rộng hơn 1ha, giữa những cây bưởi, xoài là hình ảnh xanh non của những cây cau lùn minh chứng cho tư duy nhanh nhạy của ông.

Ông Yêm (bìa trái) trao đổi với người dân về tổ chức hoạt động Trung thu cho các cháu.

Vừa làm, ông vừa giới thiệu với chúng tôi về mô hình chuyển đổi cây trồng lấy ngắn nuôi dài của mình. Ông Nam kể, quê ông ở tỉnh Thanh Hóa. Khi còn ở quê, vợ chồng ông làm đủ nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2008, ông đưa cả gia đình vào tỉnh Bình Dương sinh sống, làm công nhân kiếm tiền lo cho con ăn học. Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua, cho đến một ngày, ông ghé thăm người thân ở Khánh Hòa và được đưa đi xem rẫy mía tại xã Diên Thọ. Nhìn đất đai màu mỡ nơi đây, niềm khát khao làm giàu cứ thôi thúc ông. “Tôi nghĩ, làm công nhân chỉ đủ ăn chứ khó có thể vươn lên làm giàu. Được người thân động viên, tôi về quê bán hết nhà cửa rồi đến Diên Thọ sinh sống” - ông Nam nói.

Những ngày đầu, vợ chồng ông sống bằng nghề đốn keo, chặt mía thuê. Với đồng vốn ít ỏi, ông quyết định mua rẫy, cộng với khai hoang được 5ha đất. Thời gian đầu, ông đầu tư trồng mía. Sau đó, thấy cây mía bấp bênh, ông quyết định chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm, như: Bưởi da xanh, xoài, cam…, trồng xen canh hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm heo, gà thả vườn. Có lãi, ông Nam tiếp tục mua đất, mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, gia đình ông đã có 15ha đất sản xuất, trong đó có 5ha trồng các loại cây ăn quả, còn lại trồng keo và cho một số hộ dân thuê sản xuất lúa nước. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ông Nam trong vườn bưởi của gia đình.

Ông Nguyễn Quang Viên (69 tuổi), chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh) dù tuổi cao vẫn chưa nghỉ ngơi. Mỗi năm, từ việc kinh doanh của cửa hàng và phát triển kinh tế theo mô hình vườn, rừng đã mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 500 triệu đồng. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thái Nguyên, phục vụ trong quân đội hơn 15 năm, ông phục viên và chọn Khánh Bình là quê hương thứ 2 của mình. Mấy chục năm trước, điều kiện sống ở Khánh Bình rất khó khăn. Ngoài diện tích đất được cấp, vợ chồng ông khai hoang thêm để mở rộng sản xuất. Khi diện tích trồng mía của gia đình lên tới 7ha, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 1991, ông nhanh nhạy chuyển sang mở lò nấu đường mía thủ công, vừa giải quyết được lượng mía của gia đình, vừa gia công cho những hộ trồng mía khác để kiếm thêm thu nhập. Khi các nhà máy đường ra đời, biết khó duy trì được lò nấu đường thủ công, ông Viên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình vườn, rừng và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông vừa duy trì trồng 15ha keo, 2 sào lúa nước, vừa đầu tư 3 chiếc xe ben, 2 máy đào, 1 cơ sở đúc bê tông làm cống và sản xuất gạch không nung. Từ mô hình của mình, ông đã tạo việc làm cho 18 thanh niên địa phương thuộc hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với mức lương bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Ông Viên (giữa) chia sẻ với vợ chồng ông Cao Văn Đông về cách chăm con bị bệnh.

Ông Viên thăm hỏi ông Pi Năng Là Hơn.

Mới đây, tại hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2018 - 2023, chúng tôi còn được gặp những người “Tuổi cao gương sáng” trong sản xuất, kinh doanh, như: Bà Đỗ Thị Minh Hà (thị trấn Diên Khánh), giám đốc doanh nghiệp xây dựng, với doanh thu hàng năm hơn 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động; ông Tống Văn Yêm (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa), chủ tàu cá, giúp giải quyết việc làm cho 10 lao động nghề biển với mức lương 10 triệu đồng/tháng; ông Mấu Hồng Thái (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) với mô hình sản xuất trang trại, kết hợp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc Raglai cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho hàng chục hộ dân...

Tận tâm cống hiến

Đang cùng chúng tôi tham quan mô hình vườn rừng, nhận được cuộc điện thoại, ông Nguyễn Quang Viên vội trở về để ghé gia đình ông Cao Văn Đông và bà Cao Thị Niệm (thôn Bến Khế) để hỗ trợ gia đình này cho người con bị mắc bệnh tâm thần uống thuốc vì đang lên cơn. Bà Niệm cho biết, con trai bà mắc bệnh tâm thần hơn 10 năm, gia đình thuộc hộ nghèo. Khi biết hoàn cảnh gia đình bà, hàng tháng, ông Viên tự bỏ tiền túi hỗ trợ gạo, thực phẩm cho gia đình. “Mỗi lần cháu lên cơn bệnh, ông Viên lại lấy xe chở đến Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần để điều trị, ông không lấy tiền xe mà còn hỗ trợ thêm tiền mua thuốc. Năm ngoái, gia đình tôi xây lại nhà, ông Viên còn hỗ trợ gia đình gần 50 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng” - bà Niệm kể.

Sau khi xong việc ở nhà bà Niệm, chúng tôi lại theo ông Viên ghé thăm các ông: Cao Kinh, Pi Năng Là Hơn. Đây là 2 trong số 3 người cao tuổi neo đơn ở thôn Bến Khế được ông nhận chăm lo, hỗ trợ lương thực hàng tháng trong suốt 7 năm qua. Không những vậy, khi gia đình nào trong xã có người ốm đau, bệnh tật, tang lễ cần sự giúp đỡ, gia đình ông đều tận tình hỗ trợ. Ông còn đăng ký với UBND xã hỗ trợ 2 xe ben tham gia công tác phòng, chống thiên tai, phục vụ tang lễ cho các gia đình có người thân qua đời. Là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Khánh Bình, hàng năm, ông còn vận động mạnh thường quân tặng 300 suất quà cho các hộ nghèo, người già neo đơn, bệnh tật của xã với trị giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/suất…

Cũng như ông Viên, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Xuân Nam còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cẩm Sơn (xã Diên Thọ), ông đã trích một phần thu nhập của gia đình và từ nguồn vận động được để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già và trao quà cho học sinh có thành tích học tập giỏi. Theo đó, ngoài số tiền của gia đình, ông còn vận động nguồn xã hội hóa để có kinh phí phát thưởng cho các học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học và mừng thọ cho người cao tuổi trong thôn với số tiền gần 20 triệu đồng/năm. Đồng thời, ông còn ủng hộ Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ xã 2 chiếc trống với tổng trị giá hơn 11 triệu đồng… Năm 2022, gia đình bà Ngô Thị Sáu (thôn Cẩm Sơn) được UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh xét hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết. Biết gia đình bà Sáu gặp khó khăn, ông Nam đã trích 10 triệu đồng hỗ trợ. Ngoài ra, trong quá trình thi công, ông còn vận động người thân của bà Sáu và một số mạnh thường quân hỗ trợ làm cửa, xi măng. Bà Sáu xúc động nói: “Nhờ một phần hỗ trợ từ gia đình ông Nam mà vợ chồng tôi có được căn nhà khang trang, che mưa, che nắng ở tuổi xế chiều”.

Ông VÕ BÌNH TÂN - Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 132.000 hội viên người cao tuổi, trong đó có gần 26.000 người cao tuổi đang tham gia lao động sản xuất. Bằng trí tuệ, kinh nghiệm sống, nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn cần cù, sáng tạo làm giàu cho bản thân, gia đình và tích cực hỗ trợ nhiều người khác cùng vươn lên. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội tại địa phương.

LY VÂN