Những khoảnh khắc đáng nhớ tại SEA Games 32

Bou Samnang chạm đến trái tim nhiều người bởi tinh thần không bỏ cuộc. Ảnh: Khmer Times

Bou Samnang, vận động viên chạy 5.000m gây sốt

Video vận động viên Bou Samnang của nước chủ nhà Campuchia đã lan truyền khắp nơi sau khi cô từ chối bỏ cuộc bất chấp trời mưa như trút, sấm sét nổi lên, để hoàn thành nội dung chạy 5.000m ngày 9.5.

Tất cả các vận động viên khác đều đã về đích, nên bóng dáng đơn độc của Bou Samnang trên đường đua đã chạm đến trái tim nhiều người khi cô không chịu bỏ cuộc.

“Điều quan trọng đối với tôi là hoàn thành cuộc đua”, Samnang nói với Olympics.com trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vài ngày sau đó. “Vì cổ động viên cổ vũ tôi và cũng bởi tôi đại diện cho Campuchia. Tôi không thể dừng cuộc đua mặc dù tôi có quyền làm điều đó".

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố thưởng Samnang 10.000 USD vì ý chí phi thường của cô, và chứng tỏ, “thể thao còn hơn cả chuyện thắng - thua”.

Jonathan Tan là VĐV bơi duy nhất tại SEA Games 32 đạt chuẩn tham dự Olympics 2024. Ảnh: SNOC/Andy Chua

Jonathan Tan, vận động viên bơi Singapore giành suất dự Paris 2024

Singapore một lần nữa thống trị môn bơi, đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay tại SEA Games khi giành tới 47 huy chương (22 HCV, 16 HCB và 9 HCĐ) và 6/11 kỷ lục SEA Games.

Đáng chú ý, Jonathan Tan đã phá kỷ lục bơi 50m tự do ngay vòng loại với 21 giây 91 (kỷ lục cũ do Teong Tzen Wei lập năm ngoái là 21 giây 93). Thành tích này giúp anh đạt chuẩn dự Olympic Paris 2024. Đó sẽ là Thế vận hội đầu tiên Tan được tham dự.

“Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi (khi đạt thành tích này - PV) là, 'trời ơi', nhưng thành thật mà nói, tôi đã thực sự cố gắng kìm nén nó và cố gắng không nghĩ về điều đó, bởi vì tôi biết đồng đội vẫn cần tôi, và chúng tôi còn nhiều cuộc đua nữa phía trước”.

Jessa Khan “phục thù” thành công ở môn ju-jitsu. Ảnh: Khmer Times

Jessa Khan sau 2 nỗ lực mới “phục thù” thành công

Những thăng trầm của thể thao được thể hiện qua một vận động viên, ngôi sao ju-jitsu, Jessa Khan.

Thi đấu tại SEA Games tổ chức tại quê nhà, vận động viên sinh ra ở Mỹ có một số mục tiêu để chinh phục. Ở SEA Games 31 tại Việt Nam, Khan đã không thể bảo vệ huy chương vàng của mình do vượt quá 200g so với giới hạn trọng lượng.

SEA Games 32, Khan trở lại và muốn “phục thù”.

Tuy nhiên, trong nội dung đầu tiên, đối kháng Ne-Waza GI hạng cân 52kg, Jenna Kaila Napolis của Philippines đã làm đảo lộn kế hoạch này khi đánh bại Khan bằng cú quét vào giây cuối cùng để giành huy chương vàng.

Tuy nhiên, vài ngày sau, Khan có cơ hội khác. Với tất cả áp lực đè lên vai từ cổ động viên nhà và sức nặng kỳ vọng của chính mình, Khan đã khuất phục một vận động viên Philippines khác, Meggie Ochoa, ở nội dung Ne-Waza Nogi hạng 52kg để giành huy chương vàng trước sự cổ động cuồng nhiệt của cổ động viên chủ nhà.

Carlos Yulo (thứ hai phải sang) thích thú khi giành huy chương bạc nội dung đồng đội. Ảnh: REUTERS/Chalinee Thirasupa

Vận động viên thể dục dụng cụ Carlos Yulo thích thú với nội dung đồng đội

Mặc dù từng 6 lần giành huy chương thế giới, Carlos Yulo vẫn rất lo lắng khi bước vào ngày thi đấu đầu tiên ở Phnom Penh, nơi chứng kiến các cuộc tranh tài ở nội dung đồng đội nam.

“Lúc đầu, tôi thực sự lo lắng. Chân tôi run lên nhưng tôi đã cố gắng để kiểm soát. Vì vậy, tôi thực sự hạnh phúc vì đây là khởi đầu cho tôi và sau đó, tôi nghĩ mình sẽ ổn thôi”.

Đã quen với việc thi đấu trên đấu trường thế giới các nội dung cá nhân, vận động viên 23 tuổi người Philippines, từng hai lần vô địch thế giới, huy chương vàng SEA Games 32 toàn năng cá nhân, tỏ ra hào hứng khi thi đấu nội dung đồng đội.

Yulo dành cả ngày để cổ vũ nhiệt tình cho đồng đội, đưa ra lời khuyên và nhận những lời chúc mừng về màn trình diễn của mình.

“Nội dung thi đồng đội thực sự khiến tôi phấn khích và bầu không khí cũng vậy - tôi thực sự yêu thích nội dung này”, Yulo nói.

Tuy vậy, ở nội dung này, Philippines chỉ giành huy chương bạc, xếp sau Việt Nam.

Anh Quân