Nỗi lo khủng bố ùa về trong ngày kỷ niệm vụ 11/9 tại Mỹ

Nước Mỹ kỷ niệm 20 năm sự kiện 11/9 trong bối cảnh làn sóng ca mắc Covid-19 một lần nữa dâng cao. Lễ tưởng niệm năm nay cũng bị phủ bóng sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan, dẫn đến sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền do phương Tây hậu thuẫn và sự trỗi dậy của Taliban, tổ chức từng cưu mang Al Qaeda - chủ mưu vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Reuters.

"Lễ tưởng niệm năm nay thật khó khăn, bởi chúng tôi hy vọng sẽ có một thời kỳ mới, một thế giới mới. Nhưng đôi khi lịch sử lặp lại chính nó, theo một cách tồi tệ", Thea Trinidad, người phụ nữ mất cha trong vụ khủng bố 11/9 nói. Trong ảnh, Thống đốc New York Kathy Hochul và cựu Thống đốc Michael Bloomberg đặt hoa tại đài tưởng niệm ở Ground Zero, nơi từng là vị trí của tòa tháp đôi WTC sụp đổ sau vụ khủng bố. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Joe Biden tới thăm 3 địa điểm là mục tiêu vụ khủng bố 11/9, gồm Ground Zero, Lầu Năm Góc và cánh đồng gần Shankville, Pennsylvania, nơi chiếc máy bay hướng tới Washington DC rơi trước khi đến được mục tiêu. Ảnh: Reuters.

Trong video phát đi hôm 10/9, Tổng thống Biden thể hiện sự thương tiếc dành cho các nạn nhân và gia đình họ. "Nhiều trẻ em lớn lên mà không có cha mẹ. Nhiều bậc phụ huynh chịu đựng nỗi đau mất con.", ông Biden nói. Ảnh: Reuters.

Cựu Tổng thống George W. Bush, nhà lãnh đạo nước Mỹ khi sự kiện 11/9 xảy ra, sẽ tham dự lễ tưởng niệm ở Pennsylvania. Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama sẽ có mặt tại sự kiện ở Ground Zero. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự kiến có mặt ở New York trong ngày 11/9 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters.

Trên khắp nước Mỹ, nhiều hoạt động tưởng niệm được tổ chức như đặt vòng hoa tại Portland, bang Maine, hay cuộc diễu hành bằng xe cứu hỏa ở Guam. Các khu vườn, công viên, tượng đài cũng được trang trí bằng hoa và quốc kỳ để tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AP.

Sự kiện 11/9 làm thay đổi toàn bộ nước Mỹ và cả thế giới. Tại Mỹ, an ninh sau ngày 11/9 được siết chặt ở mức chưa từng có, đặc biệt tại các sân bay. Chính phủ Mỹ tăng cường hoạt động nghiệp vụ của cảnh sát và quyền lực giám sát của các cơ quan liên bang. Từ đó đến nay, mọi sự kiện bất thường tại Mỹ, từ nổ, đâm xe, hoặc hành vi bạo lực, đều bị đặt câu hỏi liệu có liên quan tới khủng bố hay không. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động sau sự kiện 11/9 dẫn đến hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Cuộc chiến Afghanistan, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã kết thúc bằng cuộc di tản hỗn loạn và vụ đánh bom khủng bố ở sân bay Kabul làm 170 người chết, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ. Giờ đây, khi Taliban trở lại nắm quyền, nước Mỹ một lần nữa sống trong sợ hãi trước viễn cảnh Al Qaeda tái tập hợp lực lượng trong lòng Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Sau 20 năm kể từ ngày chứng kiến hàng trăm đồng nghiệp bị thương sau khi máy bay lao vào Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001, đại tá về hưu Malcolm Bruce Westcott cho biết ông đau lòng khi đe dọa khủng bố vẫn tiếp tục nhắm vào nước Mỹ. "Tôi luôn nghĩ rằng thế hệ chúng tôi - những quân nhân, sẽ xử lý triệt để vấn đề khủng bố, chúng tôi không muốn truyền lại trách nhiệm này cho thế hệ con cháu. Nhưng cuối cùng chúng tôi không làm được", ông Westcott nói. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát vũ trang được triển khai trên đường phố New York trước ngày kỷ niệm sự kiện 11/9. Ảnh: Reuters.

Duy Anh