Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên

Các mô hình du lịch cộng đồng

Nổi tiếng với sản vật chè , thời gian qua, nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà và văn hóa các dân tộc tại ái Nguyên từng bước được hình thành, phát triển, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Làng nhà sàn Thái Hải) được đánh giá như một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Năm 2014, Làng nhà sàn Thái Hải được công nhận là điểm đến du lịch của địa phương. Hiện nay, làng vẫn lưu giữ nguyên vẹn hơn 30 ngôi nhà sàn của người Tày, Nùng nhằm phục vụ du khách đến trải nghiệm, hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc: các hoạt động lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, trải nghiệm nông nghiệp...

Trải nghiệm, hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc Ảnh: vtr.org.vn

Làng có hệ thống cơ sở vật chất khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu ăn uống, lưu trú và trải nghiệm với đoàn khách có số lượng hàng nghìn người. Đặc biệt, ngày 12/3/2022, Làng nhà sàn Thái Hải là đại diện duy nhất Đông Nam Á giành giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” do Tổ chức Du lịch thế giới tổ chức. Giải thưởng này công nhận các điểm đến nông thôn coi du lịch là động lực phát triển và cơ hội mới tạo ra việc làm và thu nhập, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị và sản phẩm cộng đồng. Cùng với đó, vinh danh những ngôi làng có cam kết đổi mới, định hướng phát triển bền vững ở những khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường và tập trung phát triển du lịch phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, du khách còn tham gia vào lễ hội Cầu mùa, hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình… cũng như thưởng thức hương vị trà mang đậm bản sắc của người Sán Chay khi đến với du lịch cộng đồng tại xã Đồng Tâm, huyện Phú Lương. Huyện Phú Lương hiện có 18 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 6 di sản văn hóa phi vật thể, có tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, đưa du lịch trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2017, huyện đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với phát triển du lịch cộng đồng” tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng không chỉ giúp bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể mà còn thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với địa phương tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa tại địa phương.

Không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, mô hình du lịch cộng đồng còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp người dân cải thiện đời sống.Những giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Năm 2022, Sở tập trung hoàn thiện 2 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai và xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Tăng cường tổ chức các sự kiện và định hướng cho các khu, điểm du lịch, dịch vụ trải nghiệm, trình diễn và xây dựng các cửa hàng lưu niệm; các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển; thành lập các tổ, đội văn nghệ dân gian; truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch cộng đồng được quan tâm, chú trọng. Đồng thời, mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh của từng địa phương, điểm đến. Tỉnh cố gắng phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

Song song với đó, Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung hỗ trợ để phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng.

Xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Thành Hải

Cùng với đó, hoàn thiện, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nhằm hỗ trợ các địa phương và người dân đặc biệt là vùng đồng bào DTTS tại các điểm du lịch cộng đồng được đầu tư về hạ tầng, cơ sở vật chất, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch... Qua đó, góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống của đồng bào DTTS và hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách. Đồng thời, thu hút đầu tư các khu sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo… Tiếp tục phát triển du lịch khám phá hang động mạo hiểm tại hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai). Đặc biệt, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch được chú trọng phát triển; định vị thương hiệu du lịch, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Anh