Sắp khởi động đào tạo kỹ năng an toàn thông tin cơ bản trên toàn quốc

Thông tin tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2023 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT được tổ chức ngày 12/6, Văn phòng Bộ TT&TT cho hay, trong quý III, với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cơ bản và Chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng trên phạm vi toàn quốc.

Tập trung hướng dẫn và đẩy mạnh sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và Nền tảng hỗ trợ điều tra số trên phạm vi toàn quốc. Đây là 2 nền tảng mới được Cục An toàn thông tin đưa vào hoạt động để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương quản lý, giám sát, đo lường tuân thủ và thực thi bảo đảm an toàn thông tin.

Đồng thời, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Các nhiệm vụ nêu trên đều hướng tới mục tiêu bảo vệ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển hoạt động lên môi trường số.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và an toàn thông tin đã được xác định là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển, vận hành.

Bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, đồng nghĩa chúng ta cần phải bảo vệ hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học…

Với người dùng Internet, vấn đề cốt lõi nhất là làm sao để người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng (Ảnh minh họa: M.Ngọc)

Trong chia sẻ tại hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng an toàn thông tin cho các tỉnh miền núi phía Bắc hồi trung tuần tháng 3, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, không gian mạng là không gian sống, làm việc, học tập, giải trí của khoảng 78 triệu người dân Việt Nam, tương đương 79,1% dân số. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, không gian này lại không an toàn.

Người dân là điểm khởi phát, trung tâm của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Bảo vệ người dân an toàn trên không gian mạng cũng là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng của lĩnh vực an toàn thông tin mạng.

Theo thống kê, 91% cuộc tấn công mạng khởi nguồn bằng thư điện tử lừa đảo và hơn 80% sự cố mất an toàn thông tin là do người sử dụng thiếu nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ. Một lỗi nhỏ do thiếu kỹ năng an toàn thông tin có thể là điểm bắt đầu, leo thang của các cuộc tấn công mạng có thể dẫn đến hậu quả, thiệt hại khó lường trước.

“Do đó, mỗi người dân cần phải là công dân số thông minh, văn minh và an toàn trên không gian mạng. Được trang bị đầy đủ những kỹ năng an toàn thông tin. Để làm được này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tất cả các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và sự chung tay của mỗi người dân”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã chủ trì thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng. Mục tiêu hướng đến của Liên minh là nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho đông đảo người dân nhằm giúp họ có thể chủ động tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng đang xây dựng và chia sẻ miễn phí nội dung tuyên truyền và phổ biến kỹ năng dưới nhiều hình thức: video, tài liệu, poster, bài viết… để tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng miễn phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền. Các cơ quan, tổ chức liên hệ Cục An toàn thông tin để được cung cấp miễn phí nội dung tuyên truyền.

Theo thống kê, trong quý II/2023, số địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) là 444.648 địa chỉ, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái; số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống tại Việt Nam là 1.992 cuộc, giảm 32,8% so với cùng kỳ. Doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước của lĩnh vực an toàn thông tin trong quý II vừa qua đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Vân Anh