Sau quận 1, TP.HCM chuẩn bị thu phí vỉa hè 28 tuyến đường ở quận 10

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) .HCM đã đồng ý với đề xuất danh mục sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố thuộc 28 tuyến đường trên địa bàn quận 10.

Theo đó, một số tuyến đường trung tâm quận 10 sẽ thực hiện thu phí vỉa hè, gồm: Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám, Cao Thắng, Ngô Gia Tự, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, Tô Hiến Thành...

5 vị trí đủ điều kiện thu phí vỉa hè trông giữ xe 2 bánh, gồm: Nhà khách Chính phủ (phường 1), khu vực xung quanh bệnh viện Trưng Vương (đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành) và 2 điểm khác tại đường Tô Hiến Thành.

Để tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký thực hiện phù hợp, chấp hành đúng quy định, đồng thời phục vụ công tác kiểm tra, giám sát theo đúng quy định trước khi ban hành, triển khai thực hiện.

ở GTVT đề nghị UBND quận 10 bổ sung vào danh mục, phương án tổ chức thực hiện, dự toán được diện tích và mức phí phải nộp cho nhà nước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố; thời gian vệ sinh trong ngày; chu kỳ tiến hành duy tu, bảo dưỡng lòng đường, hè phố (bao gồm các hạng mục gắn liền như vạch sơn, biển báo...);

Đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, nơi được áp dụng thu phí vỉa hè.

Sở cũng yêu cầu, tại đầu, cuối mỗi đoạn cần có phương án lắp đặt biển báo, biển nhận dạng phù hợp, thống nhất trên toàn địa bàn các phường.

Đồng thời, UBND quận 10 cần phối hợp, tham khảo với UBND các quận lân cận (đã hoặc đang triển khai thực hiện) để thống nhất trên các tuyến đường giáp ranh; thực hiện công bố khung giá dịch vụ trông giữ xe theo quy định của UBND Thành phố để tổ chức, cá nhân có cơ sở áp dụng thực hiện...

Quận 10 là địa phương thứ 2 tại TP.HCM áp dụng thu phí vỉa hè. Trước đó, từ ngày 9/5, quận 1 bắt đầu áp dụng thí điểm việc thu phí vỉa hè đối với 11 tuyến đường đủ điều kiện, gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), Hải Triều và Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).

Việc thu phí vỉa hè trên địa bàn TP.HCM nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn từ phía người dân, nhiều người bày tỏ mong muốn việc thu phí vỉa hè sẽ được nhân rộng tại các quận, huyện, TP Thủ Đức. Qua đó, tạo nguồn thu cũng như hỗ trợ người dân trong việc kinh doanh, buôn bán.

Hồi đầu năm, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đề nghị địa phương khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ.

Sở GTVT lưu ý, các địa phương cần tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông để triển khai thực hiện có lộ trình. Từ đó, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.

Tháng 7/2023, TP.HCM ra quyết định mới về quản lý và sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố; một số trường hợp được sử dụng một phần và đóng phí như tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ...

Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ôtô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Hiện, mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.

Kim Sáng