Sẽ bỏ phiếu lý lịch tư pháp khi thi tuyển, xét tuyển công chức

Chính phủ đã phê duyệt phương án bỏ phiếu lý lịch tư pháp khi thi tuyển, xét tuyển công chức

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp, trong đó có nội dung bỏ phiếu lý lịch tư pháp khi thi tuyển, xét tuyển công chức.

Theo đó, đáng chủ ý là Chính phủ đã phê duyệt phương án bỏ phiếu lý lịch tư pháp khi thi tuyển, xét tuyển công chức cụ thể như sau:

- Bỏ yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp từ phía cá nhân, thay bằng biện pháp cơ quan tuyển dụng chủ động yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 đã được sửa đổi, bổ sung.

Lý do: Tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí xã hội và thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan nhà nước.

Theo đó, sẽ sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; bổ sung quy định cơ quan tuyển dụng yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP .

Ngoài ra, Chính phủ cũng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan như:

- Bỏ yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp đối với thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ; hoặc Cá nhân được xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử đã được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID nhằm tiết kiệm thời gian chi phí, tạo thuận lợi cho cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Cụ thể, sẽ sửa đổi khoản 2 Điều 7 Nghị định 112/2021/NĐ-CP .

- Bãi bỏ yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam khi thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công an theo hướng cơ quan nhà nước nghiên cứu, khai thác dữ liệu lý lịch tư pháp trong quá trình quản lý hồ sơ hoặc cá nhân xuất trình thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xã thực điện tử VNeID.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định 56/2023/NĐ-CP .

Lộ trình thực hiện từ năm 2024 – 2025.

Lý lịch tư pháp

- Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực áp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

- Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích;

Bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

- Phiếu lý lịch tư pháp gồm 02 loại:

+ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009);

+ Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

(Khoản 1, khoản 4 Điều 2; khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009)

Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp

Phiếu lý lịch tư pháp số 1

- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

+ Đối với người được xóa án tích và thông tin về việc xóa án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

+ Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

- Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.

(Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009)

Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2

- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;

+ Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.

- Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

(Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009)

Thanh An