Vaccine Arct-154 được cấp phép ở Nhật Bản

Khám sàng lọc sức khỏe cho tình nguyện viên trước khi tiêm thử nghiệm vaccine.

Ngày 28/11/2023, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi ật Bản phê duyệt vaccine ARCT-154 cho dự phòng Covid-19 ở người lớn. Việc phê duyệt dựa trên dữ liệu lâm sàng tích cực từ một số nghiên cứu ARCT-154, bao gồm một nghiên cứu về hiệu quả trên 16.000 đối tượng được thực hiện ở Việt Nam trong giai đoạn virus SARS-CoV-2 có nhiều biến thể phức tạp, cũng như thử nghiệm pha 3 cho mũi tăng cường, đã đạt được kết quả về khả năng sinh miễn dịch cao hơn và hồ sơ an toàn thuận lợi so với bộ so sánh vaccine mRNA tiêu chuẩn cho Covid-19.

Kết quả nghiên cứu ban đầu đã được công bố trên MedRxiv và dự kiến sẽ được công bố trên tạp chí bình duyệt vào cuối năm nay.

ARCT-154 là loại vaccine mRNA tự khuếch đại đầu tiên được phê duyệt cho Covid-19 ở người lớn trên thế giới. Sản phẩm dựa trên công nghệ STARR của Arcturus Therapeutics, kết hợp RNA tự sao chép với công nghệ nền tảng hạt nano lipid LUNAR (LNP).

Công ty tuyên bố chất này kích hoạt sự biểu hiện kháng nguyên nhanh chóng và kéo dài trong tế bào chủ, dẫn đến khả năng miễn dịch bảo vệ chống lại các mầm bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, công nghệ LUNAR giải quyết các vấn đề phân phối thường liên quan đến vectơ virus và công nghệ vectơ lipid hiện có bằng cách thu giữ các axit nucleic trị liệu và di chuyển chúng một cách an toàn đến các tế bào đích bằng quy trình nhập bào.

ARCT-154 được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Tháng 8/2021, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y à Nội được Bộ Y tế và công ty Vinbiocare tín nhiệm chọn làm đơn vị triển khai cả 3 pha nghiên cứu I, II, III trong thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm là nghiên cứu viên chính của đề tài, các nhà khoa học nữ của Trung tâm Dược lý lâm sàng đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong nghiên cứu: Điều phối nghiên cứu, quản lý và pha chế vaccine, quản lý hậu cần nghiên cứu, quản lý lấy mẫu và thu thập dữ liệu an toàn, hiệu quả.

Trong điều kiện giãn cách xã hội khó khăn, các cán bộ nghiên cứu viên của Trung tâm đã nỗ lực hết sức, làm việc 18-20 giờ một ngày để kịp thời triển khai tổ chức thu tuyển, khám sàng lọc, và tiêm thử nghiệm trong thời gian nhanh nhất mà vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch cho các tình nguyện viên cũng như cán bộ tham gia nghiên cứu.

Trung tâm Dược lý lâm sàng thực hiện thử nghiệm pha I, II của nghiên cứu. Pha III của nghiên cứu được triển khai tại nhiều địa điểm trong cả nước, trong đó Trung tâm dược lý lâm sàng là đơn vị triển khai nghiên cứu pha III tại các site Yên Phong, Bắc Ninh (hơn 4.000 đối tượng) và Quảng Xương, Thanh Hóa (hơn 1500 đối tượng), với tỷ lệ hoàn thành nghiên cứu rất cao (trên 90%).

Tháng 8/2023, cơ quan Quản lý Dược phẩm và thiết bị y tế Nhật Bản đã tiến hành đánh giá nghiên cứu tại site Yên Phong, Bắc Ninh với kết quả đánh giá cao về chất lượng triển khai nghiên cứu. Đây là một bước quan trọng trong quy trình đánh giá toàn diện để xem xét cấp phép cho sản phẩm.