Startup Woodson phá sản, ảnh hưởng tham vọng của Trung Quốc tạo chip tiên tiến nhất

Woodson, với thực thể chính là Shanghai Wusheng Semiconductor Group, đã bị thanh lý, theo thông báo từ Tòa án nhân dân khu vực mới Phố Đông của Thượng Hải. Điều đó đánh dấu sự sụp đổ của Woodson, vốn từng là ngôi sao mới nổi trong ngành bán dẫn Quốc.

Thất bại của Woodson cho thấy một số ông ty khởi nghiệp bán dẫn Trung Quốc gặp khó khăn trong việc lách các hạn chế từ Mỹ, vốn cấm các doanh nghiệp nước này tiếp cận công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ từ bất cứ đâu và thậm chí cả các khoản đầu tư của Mỹ, giữa bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng.

Được thành lập vào năm 2019, Woodson bắt đầu hoạt động với số vốn đăng ký 10 tỉ nhân dân tệ (1,4 tỉ USD), công bố hai dự án với tổng vốn tài trợ 5,5 tỉ USD và tích cực tuyển dụng các cựu giám đốc Electronics (hãng chip nhớ lớn nhất thế giới) và TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới).

Được thành lập vào thời điểm cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu nóng lên, Woodson tập trung sản xuất mạch tích hợp (IC) cho trình điều khiển màn hình LCD/OLED, chip nhớ flash và cảm biến hình ảnh tiếp xúc cho camera.

Vào thời điểm đó, công ty đã quảng cáo rằng đội ngũ của họ có “nhiều chuyên gia tên tuổi với kinh nghiệm hơn 20 năm”.

Năm 2020, cổ đông đăng ký tại Hồng Kông của Woodson là công ty tư nhân China Semiconductor đã ký một thỏa thuận với Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) để xây dựng một nhà máy trị giá 3 tỉ USD sản xuất 40.000 đĩa bán dẫn 12 inch mỗi tháng, theo bản tin trên trang Nhật báo Nam Kinh (bài này đã bị xóa).

Một dự án khác được công bố vào tháng 4.2021 cho biết Woodson lên kế hoạch xây dựng một tổ hợp nghiên cứu, phát triển và sản xuất trị giá khoảng 18 tỉ nhân dân tệ và sẽ hoàn thành trong 5 năm.

Bốn tháng sau, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin Phó chủ tịch điều hành toàn cầu của Samsung Electronics là Zhang Duanduan (nữ quản lý cấp cao nước ngoài đầu tiên của công ty Hàn Quốc) sẽ gia nhập Woodson.

Jowei Dun, cựu giám đốc bộ phận kỹ thuật cũng được cho sẽ gia nhập Woodson, theo hãng tin The Paper (Trung Quốc), trích dẫn một nguồn giấu tên.

Zhang Duanduan không đưa ra bình luận. Có tài khoản LinkedIn không chứa bất kỳ điều gì liên quan đến Woodson, Jowei Dun không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận hôm 26.6.

Trang web của Shanghai Wusheng Semiconductor Group - Ảnh: SCMP

Theo dữ liệu từ Qichacha (nền tảng tra cứu thông tin doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc), do gặp khó khăn về tiền mặt, Woodson sau đó đã bị khách hàng và nhà cung cấp kiện trong vài năm qua.

Zhang Jialiang, người sáng lập và đại diện pháp lý của Woodson, bị đưa vào danh sách đen là con nợ vào năm 2022, dẫn đến việc hạn chế chi tiêu xa xỉ.

Sự sụp đổ của Woodson cho thấy họ không nhận được trợ cấp mới từ chính phủ Trung Quốc để duy trì hoạt động. Ví dụ, nhà máy của Woodson ở Nam Kinh chỉ nhận được trợ cấp khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định, chẳng hạn như tỷ lệ sản lượng thiết bị đạt 98%, theo The Paper, trích dẫn nguồn tin giấu tên.

Các công ty Trung Quốc tăng năng lực sản xuất chip do sợ lệnh trừng phạt mới từ Mỹ

Các hãng sản xuất chip Trung Quốc, chẳng hạn Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Group, đang tăng công suất trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt công nghệ mới từ Mỹ.

Dù tụt hậu so với các đối thủ như TSMC và Samsung Electronics về công nghệ xử lý chip, các công ty Trung Quốc đang tích cực tăng đầu tư vào năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về chip truyền thống, vốn được sử dụng trong các ứng dụng như ô tô và thiết bị điện tử tiêu dùng.

Tổng công suất của các hãng sản xuất chip ở Trung Quốc sẽ tăng 15% lên 8,9 triệu đĩa bán dẫn mỗi tháng trong năm 2024 và 14% lên 10,1 triệu đĩa bán dẫn vào 2025, vượt mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 6% và 7% cùng kỳ, theo báo cáo từ SEMI - hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ.

Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% tổng công suất đĩa bán dẫn của ế giới vào năm 2025, SEMI cho biết.

SEMI nêu trong báo cáo: “Bất chấp những rủi ro tiềm ẩn, Trung Quốc đang tích cực tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất chip, một phần do nỗ lực giảm bớt tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc gồm Nexchip, SiEn (Qing Dao) Integrated Circuits Co và nhà sản xuất chip nhớ ChangXin Memory Technologies đều đang mở rộng hoạt động.

Tốc độ đầu tư đã gây ra lo ngại về tình trạng dư thừa công suất, với việc chính quyền Biden sẽ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 18 tỉ USD, gồm cả việc tăng 50% thuế với nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc bắt đầu từ năm 2025, để bảo vệ ngành công nghiệp chip địa phương của Mỹ.

“Các công ty Trung Quốc đã dự trữ các công cụ sản xuất chip vào năm 2023. Nhu cầu chưa từng có ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn tại nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại”, Boris Metodiev, nhà phân tích sản xuất chất bán dẫn cấp cao tại hãng TechInsights, nói trong một hội thảo trực tuyến gần đây.

Một nhân viên kiểm tra đĩa bán dẫn tại TankeBlue Semiconductor Co ở Bắc Kinh - Ảnh: Tân Hoa Xã

Boris Metodiev lưu ý rằng doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn ở Trung Quốc năm 2023 đã tăng 48% so với tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới là 1%. Ông nói: “Điều này đồng nghĩa nếu bạn không tính đến Trung Quốc, doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn của tất cả khu vực khác đã giảm 15%”.

Việc mở rộng công suất diễn ra sau khi doanh số chất bán dẫn của Trung Quốc giảm hai năm liên tiếp trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp sau khi Bắc Kinh đột ngột chấm dứt chính sách Zero COVID-19 vào cuối năm 2022.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng kế hoạch mở rộng đang diễn ra của Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất vượt mức trong hai năm tới, có khả năng làm giảm giá chip nếu các nhà máy Trung Quốc bắt đầu bán ra thị trường toàn cầu.

Trước đây, Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu cho phần lớn nhu cầu chip của mình, nhưng trong bối cảnh nỗ lực tự cung tự cấp không ngừng và các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng, tình hình đã thay đổi. Trung Quốc đã nhập khẩu 479,5 tỉ mạch tích hợp vào 2023, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị nhập khẩu là 349,4 tỉ USD (tương đương mức giảm 15,4% so với năm trước), theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Các công ty sản xuất chip Trung Quốc như SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và YMTC (hãng chip nhớ lớn nhất Trung Quốc) đã được hưởng lợi từ nỗ lực nội địa hóa của nước này. Các báo cáo ngành công nghiệp chỉ ra rằng những nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn về sử dụng công suất (thước đo hoạt động sản xuất của nhà máy) so với những đối thủ toàn cầu do chính sách thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc với IC và những sản phẩm công nghệ khác.

Hua Hong Semiconductor Group, nhà máy sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc tập trung vào các công nghệ trưởng thành và đặc biệt, chứng kiến việc sử dụng công suất ở mức tối đa và dự kiến sẽ tăng giá 10% nửa cuối năm nay, theo báo cáo từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ).

Theo báo cáo nghiên cứu từ hãng TrendForce (Đài Loan) được công bố hôm 20.6, một số dây chuyền tại các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất do nhu cầu của khách hàng cao.

Theo báo cáo, thông thường vào nửa cuối năm, các nhà sản xuất chip thường tích trữ thêm hàng (chip dự phòng) để đáp ứng nhu cầu sắp tới. Song năm nay, do nhu cầu của khách hàng quá cao, mùa cao điểm này có thể kéo dài hơn dự kiến cho đến hết năm. Việc tăng giá phản ánh nỗ lực giảm áp lực lợi nhuận, chứ không hẳn là do nhu cầu về chip phục hồi hoàn toàn.

Sơn Vân