Sửa đổi Luật Thủ đô: Từ kinh nghiệm quốc tế

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và Chủ tịch Hội đồng Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các đại biểu đến từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, cùng các trí thức, nhà ngoại giao từng sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và Chủ tịch Hội đồng Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Hà Hùng Cường đồng chủ trì tọa đàm

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, đây là tọa đàm nhằm góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đầu tiên với chủ đề tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, dù trong quá trình xây dựng luật đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo tham khảo ý kiến. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu, đại sứ, nguyên đại sứ, các nhà ngoại giao…

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn tóm tắt dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), khẳng định, mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phát triển cùng cả nước.

Thực tế cho thấy, qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng; Quản lý sử dụng đất đai; Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…

Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, kịp thời, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô. Việc chưa có quy định về áp dụng Luật Thủ đô đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành…

Quang cảnh tọa đàm

“Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau cả về quan điểm và việc đưa thành những điều luật cụ thể” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh; đồng thời nêu rõ, lần này Luật Thủ đô sửa đổi toàn diện, nhằm chọn ra cơ chế vượt trội, khác biệt, nhưng chính sách phải thật sự phù hợp, khả thi để Thủ đô giải quyết được các vấn đề đang bức xúc hiện nay.

Bốn tham luận tại tọa đàm đã góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung chủ yếu từ kinh nghiệm quốc tế mang nhiều giá trị tham khảo như: Phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô và các cơ chế giám sát thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền Thủ đô - kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo; Chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô - Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo; Các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược; Định vị Thủ đô trong chiến lược phát triển quốc gia - kinh nghiệm của Indonesia.

Ngoài ra, các đại biểu, đại sứ, nguyên đại sứ đã phát biểu, thảo luận, chia sẻ về các mô hình, hoạt động quản trị…

Tiếp thu và cảm ơn những kinh nghiệm và đóng góp từ các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn mong muốn tiếp tục nhận được những góp ý để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hoàn thiện và sớm được thực hiện.

Phương Nguyên