Thái Nguyên: Nắm bắt vận hội - Vượt khó đi lên

Sau một năm cả hệ thống chính trị dồn sức cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, ái Nguyên đã thu được kết quả khá tốt với sự lạc quan và nhiều niềm tin, kỳ vọng cho sự phát triển trong thời gian tới. Minh chứng cho điều đó là tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.

Điểm nhấn đáng chú ý là hoạt động đầu tư tiếp tục duy trì là một điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế Thái Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh có 9.656 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 143.541 tỷ đồng; tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 868 dự án với số vốn đăng ký trên 162,7 nghìn tỷ đồng.

Thái Nguyên tiếp tục thuộc Top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước với 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng mức đầu tư đăng ký đạt 10,58 tỷ USD. Đây là kết quả từ nỗ lực của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp.

Mặc dù gặp không ít khó khăn do nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn giảm, dẫn đến đơn hàng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu giảm; lượng hàng tồn kho của một số mặt hàng còn nhiều, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế, góp phần giữ vững ổn định vĩ mô.

Tính chung năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp địa phương đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp đã trải qua thời gian dài tái cấu trúc, bố trí lại lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Do vậy, "sức khỏe" đang dần được cải thiện và sẽ tốt hơn trong năm 2024.

Về công tác lập Quy hoạch tỉnh, với những nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngày 14/3/2023, Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ động hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập quy hoạch vùng huyện; điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; tổ chức lập quy hoạch một số khu, cụm công nghiệp, dự án lớn để thu hút đầu tư…

Tháng 9-2023, tại Singapore, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên xuất sắc đoạt giải Bạc – Giải thưởng quốc tế - SIP Planning Awards 2023.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và cả nước có nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít rào cản. Để đạt được những kết quả đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó xác định phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng công nghiệp với vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

Một trong những nỗ lực mang lại kết quả nổt bật của tỉnh là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm; tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN); tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu... Tỉnh xác định tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc họp, cuộc làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn...

Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, tổng kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Thái Nguyên là hơn 7.863 tỷ đồng; kế hoạch vốn do địa phương giao là hơn 8.810 tỷ đồng. Việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm; kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công được siết chặt.

Để có giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Đáng chú ý là Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đó là Quyết định số 700/QĐ-UBND ngày 03/4/2023 về việc thành lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Công văn số 2962/UBND-TH về đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2023.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023 tiếp tục nằm trong tốp đầu các địa phương. Nhiều dự án, công trình quy mô lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả tích cực như: Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên; Dự án đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; nâng cấp, cải tạo ĐT.266, ĐT.261; Trụ sở Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh...

Phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 6 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp chuyên đề để kịp thời quyết định những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền; ban hành 105 nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách, biện pháp, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.

Trong đó phải kể đến những nghị quyết kịp thời điều chỉnh vốn đầu tư công từ các dự án không còn nhu cầu vốn, không thể giải ngân hoặc giải ngân chậm, tập trung vốn cho các dự án lớn, dự án hoàn thành, dự án tạo động lực phát triển, có tính lan tỏa và liên kết cao; bổ sung danh mục dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hoặc những nghị quyết triển khai, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025 không nhiều. Bước sang năm 2024, Thái Nguyên xác định tiếp tục ưu tiên, tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng cường đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, chuyển đổi số. Quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội.

Như lửa thử vàng, càng trong gian khó, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên năm 2023 càng thể hiện rõ sự quyết tâm, đoàn kết và những giải pháp hiệu quả của tỉnh. Tinh thần này đã, đang và sẽ tiếp tục được phát huy để tạo lực đẩy cho năm 2024 - năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025).