Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng hàng hóa trong mọi cấp độ dịch

Chợ đầu mối Thủ Đức tạm đóng cửa từ ngày 7-7 để phòng dịch.

Nhiều chợ dừng hoạt động vì Covid-19

Sáng 7-7, UBND thành phố Thủ Đức thông báo, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức sẽ tạm dừng hoạt động từ 8h ngày 7-7 đến khi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất đến 20h cùng ngày.

UBND thành phố Thủ Đức đánh giá, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn diễn ra ngày càng phức tạp, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2. Việc tạm dừng hoạt động là để Công ty cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch Covid-19. Việc vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng mà không thực hiện trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đảm bảo hàng hóa lưu thông, thông suốt đến tay người tiêu dùng, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trước đó, vào ngày 28-6, sau khi xuất hiện liên tiếp 19 ca mắc Covid-19, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, huyện Hóc Môn, đã phải tạm dừng hoạt động đến ngày 15-7 để triển khai tiêu độc, khử trùng toàn bộ chợ. Việc trao đổi, mua bán hàng hóa chuyển sang hình thức giao tận nơi, không mua bán tại chợ.

Tiểu thương và người dân khu vực Chợ Tân Mỹ (quận 7) xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng.

Còn tại Chợ đầu mối Bình Điền, trước tình hình dịch Covid-19 tại quận 8 ngày càng phức tạp; tại chợ xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19, UBND quận 8 đã yêu cầu Ban Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Bình Điền kể từ 8h sáng 6-7; thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng mà không thực hiện trực tiếp tại chợ đầu mối Bình Điền để bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Ngoài 3 chợ đầu mối phải tạm đóng cửa, tính đến sáng 7-7, toàn thành phố Hồ Chí Minh có gần 110 chợ và khoảng 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đóng cửa để xử lý phòng dịch, do có các ca nhiễm Covid-19 từng đến mua bán. Trong ngày 6-7, tại một số khu vực được UBND phường thông báo sắp áp dụng biện pháp phong tỏa, có hiện tượng người dân dồn đến siêu thị mua dự trữ hàng hóa.

Tăng lượng hàng hóa dự trữ lên đến 500%

Ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tăng nguồn hàng dự trữ lên đến 500%, đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa từ các địa phương về thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã có phương án điều tiết hàng hóa thực phẩm, hàng thiết yếu trên địa bàn. Cụ thể, Sở đề nghị Sở Công Thương các tỉnh/thành phố hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Điền tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố cũng có kế hoạch tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại (các chuỗi cửa hàng tiện lợi) với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Theo đó, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh duy trì trong giai đoạn chống dịch với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân; xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống, phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.

Các cửa hàng tiện lợi tại thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa quan trọng cho thành phố.

Đơn cử tại quận 7, chợ lớn là chợ Tâm Mỹ cùng siêu thị lớn Lotte Mart đã phải tạm dừng hoạt động do xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, hệ thống cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động 24/24h, cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu của người dân. Chị Phương Mỹ Hằng, ngụ tại khu dân cư Sunrise City View trên đường Nguyễn Hữu Thọ cho biết: “Ngay trong khu vực tôi ở đã có tới 4 cửa hàng tiện lợi, hàng hóa dồi dào. Chỉ có giá rau xanh nhích hơn một chút so với ngày thường, các mặt hàng khác giá ổn định”.

Đại diện các nhà bán lẻ thực phẩm lớn khác tại thành phố Hồ Chí Minh như Saigon Co.op (hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food), Central (hệ thống Big C, Go!), Satra (hệ thống cửa hàng Satra Food, siêu thị Sài Gòn, siêu thị Satra Phạm Hùng, Satra Củ Chi), VinMart, VinMart+, Lotte Mart, MM Mega Market thông tin đã chuẩn bị lượng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, hàng thiết yếu gấp 3-5 lần để dự trù cho tình huống lượng mua sắm tăng cao trong những ngày tới.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai (địa phương có nguồn cung ứng lớn nhất cả nước) đã phối hợp đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Hiện giá lợn hơi khu vực Đông Nam Bộ khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, nguồn cung dồi dào, đủ cung ứng cho thị trường, không có chuyện tăng giá đột biến”.

Nhóm phóng viên