Thế giới cần cảnh giác, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở Mỹ

Nguy cơ bùng phát đại dịch gây tử vong cao

Theo ông Tedros Ghebreyesus, thế giới đã có nhiều người tử vong vì -19 do từng không thể kiểm soát dịch bệnh. Theo trang Worldometer, thế giới đã ghi nhận hơn 702 triệu người mắc Covid-19 và 6,97 triệu người tử vong vì căn bệnh này. Hiện nay, mặc dù số ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hiện mỗi tháng vẫn có khoảng 10.000 ca tử vong do căn bệnh này tại 50 quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sởi đang lây lan nhanh chóng với hơn 306 nghìn ca mắc được ghi nhận trên toàn thế giới trong năm 2023, tăng 79% so với năm 2022. Đây chưa phải là con số cuối cùng bởi các ca mắc bệnh sởi thường không được báo cáo đầy đủ và con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Theo bà Natasha Crowcroft, Cố vấn kỹ thuật của WHO về bệnh sởi và rubella, tình hình bệnh sởi “vô cùng đáng lo ngại”. Bà cảnh báo “năm 2024 là năm đầy thách thức”. Theo bà, hơn một nửa số quốc gia trên toàn cầu hiện được cho là có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi vào cuối năm nay, và ước tính khoảng 142 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh. Dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Trong 3 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện liên tục của nhiều bệnh mới nổi nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật sang người như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola... Ước tính 60% các bệnh của con người, 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật.

Chính vì thế, nguy cơ bùng phát bất ngờ dịch bệnh là điều dễ hiểu. Năm 2022, WHO đã tập hợp 300 nhà khoa học để xem xét 25 loại virus và vi khuẩn nhằm lập ra danh sách các mầm bệnh mà họ tin rằng có khả năng tàn phá và cần được nghiên cứu thêm. Nằm trong danh sách đó là “bệnh X”, được WHO công nhận lần đầu tiên vào năm 2018. Theo WHO, loại virus này “đại diện cho nhận thức rằng một đại dịch quốc tế nghiêm trọng có thể do một mầm bệnh chưa biết gây ra”. Theo Tiến sĩ Adalja từ Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ), một mầm bệnh chết người như bệnh X có thể là một loại virus đường hô hấp đã lây lan ở các loài động vật và chưa có khả năng lây sang người. Đó có thể là virus ở loài dơi như Covid-19, có thể ở các loài chim như cúm gia cầm, hoặc có thể là một số loại động vật khác, chẳng hạn như lợn. Tiến sĩ Adalja giải thích thêm: “Chính ở điểm giao thoa giữa con người và động vật, nơi những tương tác xảy ra, thì những loại virus này mới có cơ hội bám rễ”.

Các nhà khoa học của Anh cũng cảnh báo về một đại dịch gây tỷ lệ tử vong tương tự Covid-19 có thể xuất hiện trên thế giới trong vòng 10 năm tới do nhiều yếu tố. Theo các chuyên gia của hãng phân tích Airfinity (có trụ sở tại London, Anh), những yếu tố như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, phát triển du lịch, gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật khiến thế giới có nguy cơ đối mặt với đại dịch tương tự Covid-19 trong 10 năm tới.

Xác suất xảy ra nguy cơ trên được cho là khoảng 27,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 8,1% nếu thế giới nhanh chóng triển khai tiêm chủng vaccine sau 100 ngày kể từ khi phát hiện mầm bệnh. Ngược lại, trong kịch bản tồi tệ nhất, đại dịch gây tỷ lệ tử vong cao sẽ xảy ra. Riêng tại Anh, các nhà khoa học cảnh báo: “Trong trường hợp xấu nhất, một loại virus cúm gia cầm đột biến lây truyền từ người sang người có thể gây ra tới 15.000 ca tử vong mỗi ngày”.

Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, sẵn sàng ứng phó với đại dịch

Chính vì thế, theo WHO, nếu thế giới không chuẩn bị, rất có thể sẽ xuất hiện căn bệnh gây chết chóc hơn đại dịch Covid-19, đại dịch đã giết chết gần 7 triệu người trên thế giới cho đến nay. Ba năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nước thành viên WHO đang đàm phán để xây dựng một hiệp ước mới liên quan đến cách thức ứng phó đại dịch trong tương lai. Hiệp ước nhằm ngăn chặn tác động của các đại dịch nghiêm trọng tương tự Covid-19 có thể xảy ra, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh của các nước trên thế giới. Trong số các đề xuất cho hiệp ước mới có đề xuất chia sẻ dữ liệu và giải trình tự gene các virus, quy định về phân bổ vaccine công bằng. Theo dự thảo hiệp ước, các hãng dược phẩm cũng có thể buộc phải tiết lộ giá và các thỏa thuận đạt được cho bất kỳ sản phẩm phòng chống các đại dịch toàn cầu trong tương lai. Mục tiêu đề ra là đến tháng 5-2024, thỏa thuận mang tính pháp lý này sẽ được 194 nước thành viên WHO thông qua.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros, nhiều nước trên thế giới có thể bỏ lỡ thời hạn chót vào tháng 5-2024 để nhất trí về một “hiệp ước đại dịch” mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả hơn đối với các cuộc chiến chống đại dịch trong tương lai. Mới đây, phát biểu tại cuộc họp Ban Giám đốc điều hành WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần này, ông Tedros cho rằng nhiều nước có thể sẽ không thực hiện được cam kết nói trên, trong khi vẫn còn một số vấn đề đáng quan ngại cần được giải quyết.

Trong bối cảnh đó, chủ động phòng ngừa là biện pháp mà các nước cần thực hiện. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn. Theo Bộ Y tế, dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Trên thực tế, năm ngoái Việt Nam cũng từng phải đối mặt với nguy cơ quá tải do bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết liên tục tăng. Còn hiện nay, theo thống kê đến giữa tháng 2-2024, có 6 địa phương đang có 77 ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi, gồm: An Giang 9 ổ dịch, thành phố Hồ Chí Minh 2, Bến Tre 6, Tiền Giang 10, Tây Ninh 45, à Mau 5, nhưng không ghi nhận trường hợp tử vong.

Vì thế, điều quan trọng là phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai. Tại Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 ban hành gần đây, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, các địa phương cũng cần củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tiếp đó là việc triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.