Thế giới sắp dư thừa nhiều khí đốt

Trong những năm gần đây, thời kỳ hoàng kim của khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã thúc đẩy giá cả và lợi nhuận, tạo cơ hội cho làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo một ghi chú gần đây của Stanley, hơn 150 triệu tấn công suất LNG mỗi năm hiện đang được “bỏ ngỏ”, cho thấy "làn sóng mở rộng kỷ lục". Điều này thể hiện “sự tăng trưởng nguồn cung đáng kể” trong một thị trường có công suất hiện tại hơn 400 triệu tấn/năm.

Một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi ngang qua một cảng container trước khi đến Yokohama, Nhật Bản, ngày 21 tháng 5 năm 2018. Ảnh: CNBC.

Các chiến lược gia hàng hóa của Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi dự đoán tình trạng dư cung trên thị trường khí đốt sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trong những năm tới”.

Giá khí đốt tự nhiên hiện ở mức 1,83 USD/MMBtu (triệu đơn vị nhiệt Anh), giảm khoảng 22% từ đầu năm đến nay nhờ mùa đông ấm hơn bình thường, làm giảm nhu cầu sưởi ấm và kéo tụt nhu cầu khí đốt ở các quốc gia tiêu thụ LNG chính.

Zhi Xin Chong, người đứng đầu các thị trường khí đốt và LNG mới nổi ở châu Á của S&P Global, nói với : “Giá khí đốt tự nhiên toàn cầu đang có xu hướng giảm do điều kiện mùa đông ôn hòa ở các khu vực Bắc bán cầu như Mỹ, châu Âu và Bắc Á”.

Ông nói thêm rằng mức lưu trữ cao hơn mức trung bình đã có “tác động lớn đến giá cả” vốn đang có xu hướng giảm kể từ tháng 10/2023.

Mỹ, nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vừa báo cáo mùa đông ấm nhất trong lịch sử. Châu Âu ghi nhận nhiệt độ mùa đông ấm thứ hai trong lịch sử. Tương tự, nhiệt độ trung bình của Nhật Bản trong mùa đông năm nay cũng cao hơn bình thường 1,27 độ C (2,29 độ F), đây là mùa đông ấm thứ hai được ghi nhận.

Trên cơ sở hàng tháng, giá khí đốt tự nhiên chuẩn giao ngay đạt mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 2 ở mức 1,72 USD/MMBtu.

Sau khi Nga cắt giảm nguồn cung, nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng lên 35% tổng nguồn cung cấp khí đốt, phần lớn trong số đó được mua trên cơ sở giá giao ngay. Do đó, giá thấp hơn sẽ giúp duy trì nhập khẩu nhiên liệu ở mức phải chăng.

Morgan Stanley cho biết những nước hưởng lợi chính khác bao gồm Ấn Độ và Đông Nam Á. Giá LNG thấp hơn mang lại lợi ích lớn nhất cho Ấn Độ và Thái Lan vì khí đốt nhập khẩu chiếm 30% đến 50% nguồn cung cấp năng lượng của họ.

Nhu cầu khí đốt của Ấn Độ nằm trong số những nơi “co giãn nhất”, có nghĩa là người tiêu dùng sẽ mua nhiều hơn khi giá giảm. Thái Lan là một trong những quốc gia tiêu thụ khí đốt bình quân đầu người hàng đầu trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Trong khi khả năng lưu trữ LNG dồi dào trên toàn cầu nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản về giá giảm, Lu Ming Pang, nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy, cho biết nhu cầu có thể tăng khi các quốc gia hạng hai và mới nổi như Trung Quốc bị thu hút trở lại thị trường bởi giá thấp.

Lê Na (Theo CNBC)